6 tháng đầu năm 2025:

Bất ngờ vị trí tăng trưởng cao nhất trong 34 tỉnh, thành phố

Minh Đức

Với các tiềm lực, lợi thế sẵn có, việc Thành phố Hải Phòng (sau sáp nhập) đạt mức tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm là 11,2% - giữ vị trí thứ 2/34 tỉnh, thành phố; kết quả này không có gì quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, vị trí tăng trưởng cao nhất đem đến nhiều bất ngờ.   

Kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đưa ra các định hướng tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2025.
Kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đưa ra các định hướng tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2025.

Thông tin từ Kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (khai mạc ngày 14/7) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh này (GRDP) đạt 11,51%. Với kết quả này, tăng trưởng của Quảng Ngãi xếp vị trí thứ 1/34 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đóng góp nổi bật vào mức tăng trưởng của Quảng Ngãi đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng với mức tăng lên đến 21,38%; giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ngãi đạt 37%, cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm, ngoài hoạt động sản xuất công nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm bằng 47,3% dự toán năm.

Lĩnh vực văn hóa- xã hội tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định; tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; du lịch khởi sắc, với tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm tăng 17%, doanh thu tăng 42,8% so với cùng kỳ.

Đánh giá cao kết quả đạt được trong thời gian qua, bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách đã ban hành để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, cần tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, cơ hội để thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế; quan tâm đến công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, phát triển không gian đô thị hiện đại, đồng bộ.

Theo bà Vân, sau khi hoàn tất việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quảng Ngãi bước vào một giai đoạn phát triển mới với quy mô, tầm vóc và vị thế cao hơn. Đây là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự chủ động, đổi mới và quyết liệt hành động của toàn hệ thống chính trị để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế hiện có.

Quảng Ngãi cần nhanh chóng xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển mang tính đột phá, đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh cải cách hành chính.

“Từng cấp, từng ngành phải chủ động xây dựng các giải pháp mang tính đột phá, tận dụng hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng công nghiệp, tài nguyên thiên nhiên để tạo nền tảng đưa Quảng Ngãi bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vai trò trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, bà Bùi Thị Quỳnh Vân – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh chỉ đạo.