Các chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế trước các thách thức biến đổi khí hậu
Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam đang ngày càng chứng kiến nhiều tác động của biến đổi khí hậu lên sự phát triển của đất nước. Báo cáo trình bày một bộ năm gói chính sách ưu tiên, cần sự chú trọng từ phía Chính phủ Việt Nam để hoàn thành mục tiêu thích ứng và giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12%-14,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
Do đó, để giúp đất nước cân bằng các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu ngày càng tăng, báo cáo đề xuất Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách kết hợp hai lộ trình quan trọng đó là xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng đề xuất một bộ năm gói chính sách ưu tiên, trong đó yêu cầu cần sự chú trọng ngay từ phía Chính phủ, cũng như cần có đầu tư công và đầu tư tư nhân khẩn trương và kịp thời để hoàn thành mục tiêu thích ứng và giảm thiểu của Việt Nam.
Gói ưu tiên số 1: Một chương trình cấp vùng có điều phối cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Ngân hàng Thế giới, chương trình này cần tập trung ngăn chặn sụt lún và xâm nhập mặn thêm bằng cách hạn chế khai thác cát và nước ngầm, thay đổi phương thức canh tác để thích ứng, tăng dòng chảy và bổ cấp tầng chứa nước ngọt, và phục hồi rừng ngập mặn.
Tài sản vật chất hiện có cần được trang bị thêm để trở nên ít tổn thương hơn khi xảy xa ngập lụt, trong khi Luật Đất đai, bao gồm cả quy định quy hoạch sử dụng đất, cần được sửa đổi để ngăn chặn tình trạng xâm lấn thêm các thảm thực vật tự nhiên.
Hơn nữa, các dự án xây dựng mới cần tính đến rủi ro khí hậu thông qua các đánh giá môi trường có hệ thống. Tất cả các biện pháp này đòi hỏi phải củng cố Hội đồng Điều phối vùng, khắc phục tình trạng thiếu hụt đầu tư công trong thời gian gần đây. Các biện pháp này cũng sẽ liên quan đến việc sửa đổi cơ chế, nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, đồng thời, khuyến khích sử dụng các công cụ cụ thể như trái phiếu xanh để huy động vốn cho các dự án mới.
Gói ưu tiên số 2: Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, một chương trình đầu tư khả năng chống chịu ven biển tích hợp cho các trung tâm đô thị chính và cơ sở hạ tầng kết nối. Các khu vực ven biển miền Trung thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan cho thấy rõ nhu cầu nâng cấp đường sá và cơ sở vật chất ngành điện theo tiêu chuẩn thiết kế chống chịu với khí hậu.
Việc xây dựng khả năng chống chịu tại các vùng ven biển cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng quy hoạch sử dụng đất hiệu quả và đầu tư vào trồng rừng. Cần đặc biệt chú trọng tăng cường và thực thi các chính sách, quy định hướng đến khả năng chống chịu của ngành công nghiệp, bao gồm cả các khu công nghiệp, đồng thời có kế hoạch di dời khi cần thiết.
Các thành phố nên đầu tư vào công nghệ thông tin và kỹ thuật số để cải thiện công tác quản trị rủi ro thời tiết và cảnh báo sớm. Ngoài ra, vì không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro nên việc tăng cường sử dụng các công cụ bảo hiểm và phòng ngừa rủi ro cũng cần được ưu tiên.
Gói ưu tiên số 3: Một chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí có mục tiêu ở Hà Nội. Việc cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội một cách hiệu quả đòi hỏi phải có những hành động khẩn cấp, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận. Các ưu tiên nên bao gồm giảm sự phụ thuộc vào than, chẳng hạn như chuyển đổi mục đích sử dụng nhà máy 100 MW ở Ninh Bình. Các biện pháp khác sẽ phải được thực hiện để khuyến khích nông dân sử dụng ít nguyên liệu đầu vào gây ô nhiễm hơn và đốt ít chất thải hơn, cải thiện hệ thống giao thông công cộng và áp dụng các tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới khắt khe hơn…
Gói ưu tiên số 4: Tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng sạch. Ngành năng lượng chiếm khoảng 60% lượng phát thải KNK của đất nước, và Chính phủ hiện đang nỗ lực điều chỉnh các khoản đầu tư vào ngành điện để phù hợp với việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” tại COP26. Đây là nhiệm vụ phải thực hiện ngay, do từ khi bắt đầu triển khai thực hiện đến khi hoàn thành các dự án đầu tư vào ngành năng lượng cần một khoảng thời gian nhất định.
Theo Ngân hàng Thế giới, có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió ngoài khơi) bằng cách cải thiện khung pháp lý, bao gồm các thủ tục mua sắm minh bạch và cạnh tranh (đấu giá), để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Một ưu tiên khác là đẩy nhanh thực hiện các kế hoạch tiết kiệm năng lượng, bao gồm thông qua các chính sách định giá hiệu quả như một sắc thuế carbon hoặc hệ thống mua bán phát thải.
Ngoài ra, việc khuyến khích các nguồn năng lượng carbon thấp thông qua giám sát lượng phát thải carbon của các công ty tư nhân lớn, bao gồm giám sát toàn bộ chuỗi giá trị của các công ty này, sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Gói ưu tiên số 5: Một khế ước xã hội mới để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo Ngân hàng Thế giới, BĐKH có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn đến các hộ gia đình nghèo hơn ở các khu vực dễ bị tổn thương, hoặc những hộ gia đình chưa được chuẩn bị để ứng phó với hậu quả của BĐKH. Nằm trong khuôn khổ chương trình của Chính phủ, việc triển khai mạng lưới an sinh xã hội thích ứng, hiện đại, quy mô lớn có thể nâng cao hiệu quả hỗ trợ hậu thiên tai.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới khẳng định, phải ưu tiên bảo vệ nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trước sự gia tăng chi phí giao thông và năng lượng bắt nguồn từ quá trình chuyển dịch năng lượng và áp dụng các công cụ định giá carbon. Điều này có thể được thực hiện bằng cách cung cấp một phần doanh thu từ thuế carbon cho các chương trình xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần phải đầu tư vào các chương trình phát triển kỹ năng để hỗ trợ những người lao động bị buộc phải rời khỏi thị trường lao động.
Để thực hiện hiệu quả, đòi hỏi phải cải cách thể chế. Trong đó, các ưu tiên thể chế hàng đầu bao gồm:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Ủy ban Quốc gia về BĐKH để giúp điều phối các hoạt động bên trong Chính phủ, bao gồm bằng cách hài hòa các chiến lược khí hậu hiện có và phân công trách nhiệm rõ ràng hơn.
Hai là, thiết lập các khung thể chế mới nhằm giải quyết các thách thức khí hậu liên tỉnh, như tình trạng dễ bị tổn thương bởi thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long và ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội và khu vực lân cận.