Không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần

PV

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 được tổ chức sáng ngày 28/11/2022 tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn GEFE do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển tải thông điệp quan trọng liên quan tới kinh tế xanh.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tác động, ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam.

Việt Nam luôn khẳng định chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh "không phải chỉ là công việc của một quốc gia, không quốc gia nào đứng ngoài cuộc, mà đây là công việc toàn cầu, phải có sự đoàn kết, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong biến đổi khí hậu, phát triển xanh".

Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số tác động tới toàn dân nên phải có sự hợp tác của toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể cho sự phát triển. Để thực hiện được được điều đó, mọi chính sách cần phải hướng đến người dân, người dân được tham gia xây dựng chính sách, người dân phải được hưởng thụ từ thành quả của kinh tế xanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD và đang phấn đấu cao hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khai mạc Triển lãm Kinh tế xanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khai mạc Triển lãm Kinh tế xanh.

Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực hội nhập với thế giới. Đặc biệt, trong phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết cùng các nước trên thế giới.

Việt Nam đã cùng 150 quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ; cùng hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang cùng các nước G7 xây dựng cam kết công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người. Thủ tướng mong muốn các quốc gia EU tiếp tục hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh với giá rẻ cho Việt Nam, bởi Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng phải thực hiện nhiệm vụ như một nước phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong muốn các định chế tài chính hỗ trợ về lãi suất để doanh nghiệp giảm chi phí đẩu tư, góp phần cải tiến công nghệ; Khuyến khích đổi mới sáng tạo vào các ngành mới nổi, đầu tư cho nghiên cứu phát triển để phát triển hài hoà và bền vững.

Nhấn mạnh thông điệp khi đề cập tới kinh tế xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam "phát triển ngang tầm, đi cùng nhau, phát triển cùng nhau và đầu tư cho nghiên cứu phát triển chứ không chỉ đầu tư cho lợi nhuận". Điều đó thể hiện tinh thần "tất cả các bên đều thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ".

Tuy  nhiên, Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam lấy con người làm mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển. Do đó, Chính phủ Việt Nam không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

"Phát triển phải mang lợi ích cho người yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo...", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

 

Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 diễn ra từ ngày 28/11 đến hết ngày 30/11, sự kiện được tổ chức nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030.