Các giải pháp cơ cấu lại nợ công đã mang lại hiệu quả tích cực

PV.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các giải pháp cơ cấu lại nợ công đã góp phần giảm áp lực về nguồn vốn này.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp. Nguồn: quochoi.vn
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp. Nguồn: quochoi.vn
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017 và thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 tại phiên họp lần thứ 24 chiều ngày 14/5/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Tính đến ngày 31/12/2017, dư nợ công bằng khoảng 61,4% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 49% GDP.
Theo đó, chỉ số về dư nợ công, nợ Chính phủ đã giảm so với năm 2016 (theo báo cáo quyết toán, tính theo GDP thực tế, dư nợ công năm 2016 là 63,7%GDP, dư nợ Chính phủ là 52,7% GDP).
Trong đó, danh mục trái phiếu Chính phủ được cải thiện cả về kỳ hạn và lãi suất; Cơ cấu dư nợ vay trong nước chiếm khoảng 60% tổng dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 40%; Đa dạng hóa các nhà đầu tư (tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn 54%).
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo và cho rằng, tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, bám sát định hướng cơ cấu lại nợ công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Chỉ số về dư nợ công cho thấy, việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại nợ công đã mang lại hiệu quả tích cực, nợ trong nước được cơ cấu lại theo hướng dài hơn về kỳ hạn và thấp hơn về lãi suất, đã góp phần giảm áp lực về nợ công so với giai đoạn trước.