Quản lý ngân quỹ nhà nước sau một năm thực thi luật ngân sách nhà nước 2015

TS. Nguyễn Văn Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) *

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách nhà nước 2015. Cũng như các nghiệp vụ khác trong hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước cũng đã triển khai nhiều hoạt động (từ xây dựng các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, đến việc tổ chức bộ máy, con người và ứng dụng công nghệ) theo những bước đi phù hợp, đảm bảo quản lý an toàn và sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những chuyển biến sau một năm thực thi
Luật Ngân sách nhà nước 2015

Quản lý ngân quỹ nhà nước là một trong ba chức năng cơ bản của Kho bạc Nhà nước (KBNN) được quy định tại Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 cũng đã khẳng định rõ địa vị pháp lý của KBNN trong quản lý ngân quỹ, theo đó KBNN quản lý tập trung, thống nhất ngân quỹ nhà nước để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN; bảo đảm quản lý an toàn và sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, Luật cũng giao Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn và hiệu quả.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN 2015, giống như các nghiệp vụ khác trong hoạt động của KBNN, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động (từ xây dựng các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, đến việc tổ chức bộ máy, con người và ứng dụng công nghệ...) theo những bước đi phù hợp. Kết quả sau một năm triển khai thực thi Luật NSNN, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước đã có sự chuyển biến nhất định, thể hiện ở những mặt công tác sau:

Đối với công tác xây dựng chính sách: KBNN đã nghiên cứu và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30/2017/TT-BTC ngày 18/4/2017 quy định tạm ứng Ngân quỹ nhà nước cho NSNN; đồng thời, quy định rõ hơn về hạn mức vay theo quy định của Luật NSNN và bổ sung hoàn thiện thủ tục tạm ứng cho ngân sách trung ương.

Đáp ứng yêu cầu quản lý quỹ ngoại tệ của NSNN, KBNN cũng đã trình Bộ Tài chính ban hành Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính về quản lý và điều hành quỹ ngoại tệ của NSNN (thay thế Quyết định số 93/2000/QĐ-BTC ngày 06/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế điều hành Quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước). Trong đó, quy định rõ về trách nhiệm phối hợp, việc cung cấp thông tin của KBNN và các cơ quan liên quan trong việc quản lý và điều hành ngoại tệ của NSNN.

Ngoài ra, KBNN còn chú trọng xây dựng các quy trình nội bộ để tổ chức triển khai hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước; Nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tế vận hành thí điểm các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ mới; Tranh thủ ý kiến của chuyên gia tư vấn quốc tế để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Quy trình về quản lý rủi ro hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, Quy trình nghiệp vụ quản lý ngân quỹ, Quy trình dự báo luồng tiền trong hệ thống KBNN để ban hành trong năm 2018. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung xây dựng các đề án, chính sách: Kế hoạch phát triển KBNN giai đoạn 2017-2020; Chiến lược phát triển KBNN cho giai đoạn 2021-2030; Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động KBNN và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)...

Tình hình quản lý ngân quỹ nhà nước: KBNN đã chủ động bám sát diễn biến tình hình thu, chi NSNN; Chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công tác dự báo luồng tiền, xây dựng và trình Bộ Tài chính phương án điều hành ngân quỹ nhà nước hàng năm, hàng quý, nhất là các thời điểm: Cuối năm 2017, cuối tháng 01/2018, trước và sau Tết Nguyên đán 2018.

Trên cơ sở các quy định mới về điều hành ngân quỹ nhà nước, KBNN đã tổ chức điều hành ngân quỹ tập trung, thống nhất, chặt chẽ và linh hoạt trong toàn hệ thống gắn liền với việc triển khai hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi thông qua việc gửi có kỳ hạn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại có hoạt động an toàn, ổn định theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Qua đó, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân quỹ nhà nước, đồng thời, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện chính sách tiền tệ.

Cùng với việc tổ chức điều hành ngân quỹ tập trung, thống nhất, chặt chẽ và linh hoạt, KBNN còn thực hiện việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định mới; Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài chính các giải pháp điều hành tạm ứng ngân quỹ nhà nước năm 2017; Tích cực đôn đốc, thu hồi các khoản tạm ứng ngân quỹ nhà nước đến hạn hoặc quá hạn hoàn trả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho NSNN. Bên cạnh đó, chủ động đề xuất các giải pháp và tổ chức triển khai việc quản lý, điều hành nguồn ngoại tệ của quỹ ngoại tệ của NSNN; Thực hiện mở tài khoản và triển khai thanh toán song phương điện tử với Ngân hàng Quân đội; Xử lý việc chuyển nơi mở tài khoản và mở rộng tài khoản chuyên thu cho các đơn vị KBNN theo định hướng của KBNN... đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán bằng ngoại tệ của NSNN.

Giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Năm 2018, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng cao, khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Những yếu tố khó khăn mới có thể xuất hiện tác động giảm tăng trưởng của nước ta trong năm 2018. Những động lực tăng trưởng dựa vào yếu tố như khai thác dầu khí, than, đóng góp của Samsung, Formosa, kiều hối... đều đã được tận dụng triệt để trong năm 2017 và khó có khả năng bứt phá. Chưa kể, ngành Khai khoáng có thể giảm do sản lượng khai thác giảm; thuế xuất một số mặt hàng đang có xu hướng giảm… Ứng phó với tình hình trên, KBNN đã đề ra một số giải pháp trọng tâm trong năm 2018 như sau:

Về xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách: Nghiên cứu, dự thảo Thông tư quy định về việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước sao cho phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các Nghị định hướng dẫn (thay thế Thông tư số 30/2017/TT-BTC); Tiếp tục hoàn thiện các Quy trình nội bộ về quản lý rủi ro hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, quy trình dự báo dòng tiền.

Về quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước: Tổ chức công tác dự báo luồng tiền để cung cấp thông tin phục vụ công tác xây dựng phương án điều hành ngân quỹ nhà nước và tổ chức quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước; Nâng cao chất lượng của hoạt động dự báo thông qua việc triển khai các chương trình ứng dụng hỗ trợ cho hoạt động thống kê, dự báo ngân quỹ nhà nước, hệ thống số liệu lịch sử và dự kiến các khoản thu, chi lớn từ các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Về lâu dài, nghiên cứu sửa quy định về nội dung dự báo luồng tiền tại Thông tư số 314/2016/TT-BTC ngày 28/11/2016 của Bộ Tài chính theo hướng sử dụng kênh thông tin dự báo từ các đơn vị sử dụng ngân sách với quy tắc 80/20 như thông lệ quốc tế; Xây dựng và trình Bộ Tài chính phê duyệt phương án điều hành ngân quỹ năm/quý; Tổ chức triển khai phương án đã được Bộ Tài chính phê duyệt để đảm bảo việc quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước, đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN.

Đối với công tác tạm ứng vốn KBNN, nghiên cứu, trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp đặc thù để xử lý cụ thể. Tiếp tục triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ trong trường hợp tạm thời nhàn rỗi/thiếu hụt tạm thời ngân quỹ nhà nước như: Tạm ứng cho NSNN, gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, phát hành tín phiếu Kho bạc bù đắp ngân quỹ tạm thời thiếu hụt; Xây dựng phương án, thực hiện thí điểm nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp và thực hiện đánh giá để có hướng triển khai trong thời gian tới. Năm 2018, KBNN chủ trương sẽ triển khai bước đầu hoạt động kiểm soát rủi ro trong quản lý ngân quỹ nhà nước; Tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu để tăng cường cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước; Quản lý việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán của KBNN tại ngân hàng theo quy định và đảm bảo thanh toán thông suốt trong toàn hệ thống. Hiện nay, KBNN đã hoàn thành công tác triển khai mở rộng thanh toán song phương điện tử tại 4 ngân hàng thương mại mà KBNN đang có mở tài khoản bằng VND; đồng thời, triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 9 đơn vị KBNN có mở tài khoản tại NHNN.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các công cụ phục vụ công tác quản lý ngân quỹ như: Triển khai dự án xây dựng kho dữ liệu và công cụ thống kê, phân tích nghiệp vụ và tổ chức lấy số liệu thống kê biến động ngân quỹ KBNN; Triển khai dự án nâng cấp phân hệ dự báo dòng tiền thành hệ thống quản lý ngân quỹ; Tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước, tình hình và kết quả công tác huy động vốn để phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo các cấp; Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Quản lý nợ công năm 2017; Tổ chức kiểm tra tại các địa phương đối với những nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý, trong đó chú ý công tác mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại địa phương. Cùng với đó, triển khai các nghiệp vụ, tăng cường đào tạo thực tế, chuyên sâu các nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý ngân quỹ để có thể đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai nhiệm vụ trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra, KBNN đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, tập trung bám sát các Chương trình hành động của Bộ Tài chính, chương trình, kế hoạch công tác năm 2018 để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ chuyên môn được giao; Tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính; Tăng cường phối hợp trong hoạt động giữa các đơn vị nghiệp vụ của KBNN với các cơ quan liên quan, động viên cán bộ công chức; Chủ động bám sát nhiệm vụ trọng tâm, rà soát tiến độ công việc được phân công làm đầu mối; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện…

Đồng thời, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế-xã hội, tình hình thị trường tài chính-tiền tệ, nắm bắt kịp thời tình hình, số liệu huy động vốn, số thu, chi NSNN… nhằm kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài chính các giải pháp điều hành ngân quỹ an toàn, hiệu quả. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý ngân quỹ nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và hợp tác song phương về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong việc phát triển các công cụ quản lý ngân quỹ.

Với những biện pháp đã triển khai và sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức, hệ thống KBNN hoàn toàn tự tin và sẵn sàng cho việc triển khai công tác cải cách quản lý ngân quỹ theo quy định của Luật NSNN năm 2015, góp phần hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.