Các khu công nghiệp hút 50% vốn FDI vào Việt Nam
(Tài chính) Triple Eye Infrastructure (Canada) có lẽ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có dự án quy mô lớn nhất đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) Việt Nam trong những tháng đầu năm nay. Dự án bệnh viện quốc tế quy mô 200 giường bệnh của tập đoàn này dự kiến được xây dựng tại KCN Đại An (Hải Dương), với tổng vốn đăng ký 225 triệu USD.
Với dự án này và 69 dự án khác, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KKT Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đã đạt trên 800 triệu USD. Số liệu được Vụ Quản lý KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các dự án FDI được cấp mới vào các KCN, KKT trong quý I/2014 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực điện tử viễn thông và những ngành phụ trợ đi kèm, như sản xuất tai nghe và các linh kiện, phụ kiện dùng trong tai nghe, pin, cáp dữ liệu, sạc cho điện thoại di động...
Sự có mặt của Samsung, LG, Nokia... chính là một trong những cú hích lớn khiến vốn FDI thời gian gần đây tập trung lớn trong lĩnh vực này. Và đó cũng là lý do vì sao Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng là những địa phương thu hút được một lượng vốn FDI không nhỏ trong 3 tháng đầu năm nay.
Như vậy, lũy kế đến cuối quý I/2014, các KCN, KKT trong cả nước đã thu hút được 5.300 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 112 tỷ USD, chiếm khoảng 50% trong tổng số 236 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong hơn 25 năm qua. Điều này cho thấy ưu thế của các KCN, KKT trong thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI.
Nếu cần thêm minh chứng cho nhận định này, có thể lấy con số 472 dự án, với tổng vốn đăng ký 8,742 tỷ USD vốn FDI đổ vào các KCN trong năm 2013 để khẳng định. Chưa kể, còn có 37 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 2,347 tỷ USD đổ vào các KTT. Và đấy mới chỉ là số liệu với các dự án đầu tư mới. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn đầu tư tăng thêm vào các KCN trong năm 2013 lên tới 2,533 tỷ USD. Con số này đối với các KKT là 7,148 tỷ USD.
Tính chung trong năm 2013, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT cả nước đạt 19,942 tỷ USD, chiếm 50% tổng số lượt dự án và chiếm hơn 92% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm của cả nước, tăng 2,47 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Năm 2013, các KCN, KKT đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, như các dự án của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên (hơn 3,2 tỷ USD); Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa (điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD); hay Dự án Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam - Hải Phòng (1,5 tỷ USD)...
Sang năm 2014, chính các dự án này lại tiếp tục trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư của các nhà đầu tư vệ tinh. Không chỉ là các dự án đầu tư quy mô nhỏ, theo đánh giá của Vụ Quản lý KKT, với những kết quả khả quan trong 3 tháng đầu năm và tình hình thực tế nhiều dự án đầu tư đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư vào KCN, KKT, dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2014, việc thu hút đầu tư và sản xuất - kinh doanh trong KCN, KKT sẽ tiếp tục tăng trưởng. “Tuy nhiên, cần có biện pháp nới lỏng tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, KKT tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, do đây là đối tượng kinh doanh bất động sản phục vụ trực tiếp cho sản xuất”, ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng, Phụ trách Vụ Quản lý KKT bày tỏ quan điểm.