Các mô hình tính giá trong cải cách hệ thống kế toán của Việt Nam

PGS., TS. MAI NGỌC ANH - Học viện Tài chính

(Tài chính) Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó nhấn mạnh yêu cầu hội nhập ở mức độ cao giữa hệ thống kế toán Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Để thực hiện thành công chiến lược này, một trong những vấn đề đặt ra trong tiến trình cải cách hệ thống kế toán Việt Nam thời gian tới cần giải quyết là lựa chọn mô hình tính giá nào phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

Các mô hình tính giá trong cải cách hệ thống kế toán của Việt Nam
Một trong những vấn đề đặt ra trong tiến trình cải cách hệ thống kế toán Việt Nam thời gian tới cần giải quyết là lựa chọn mô hình tính giá nào phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Nguồn: internet

Các mô hình tính giá trong sự phát triển kế toán

Việc phân biệt các mô hình tính giá khác nhau trong kế toán cũng có nhiều quan điểm. Tuy nhiên, mô hình tính giá cơ bản hiểu theo nghĩa đầy đủ bao gồm: Mô hình giá gốc, mô hình giá hiện hành, mô hình giá đầu ra. Mô hình ngang giá sức mua của tiền tệ thực chất là một trường hợp riêng của mô hình giá gốc được điều chỉnh nhằm khắc phục hạn chế của mô hình giá gốc truyền thống. Mô hình giá trị hợp lý mà các nhà nghiên cứu gần đây đề cập thực chất là sự phát triển của mô hình giá đầu ra. Bài viết tập trung làm rõ các vấn đề về: Mô hình tính giá gốc, mô hình tính giá hiện hành và mô hình tính giá đầu ra.

Mô hình giá gốc:

Từ thế kỷ 19, khi các quy định về kế toán hình thành ở Anh, Đức, Pháp, giá gốc cũng là nguyên tắc tính giá được đề cập trong các quy định liên quan. Tuy nhiên, giá gốc không phải là cơ sở tính giá duy nhất có thể áp dụng. Cho đến cuối thế kỷ 20, mô hình giá gốc vẫn được áp dụng khá phổ biến ở các nước châu Âu, Mỹ và một số quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán/chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRSs).

Mô hình giá hiện hành:

Những năm đầu thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm các mô hình tính giá khác thay thế cho mô hình giá gốc và mô hình giá hiện hành đã ra đời. Một trong những học giả đầu tiên nghiên cứu về giá hiện hành là Limperg - người Hà Lan. Ở Mỹ, năm 1936, Giáo sư Sweeney đề xuất kế toán điều chỉnh theo mức giá chung và mô hình kế toán theo giá hiện hành trong tác phẩm “Kế toán ổn định”. Đây được coi khởi đầu cho những nghiên cứu một cách có hệ thống về mô hình giá hiện hành trong kế toán.

Cách tiếp cận kinh tế học trong kế toán được phát triển mạnh từ thập niên 1940 do ảnh hưởng của quan điểm kết quả kinh tế của nhà kinh tế học Hick. Tiêu biểu là quan điểm của hai học giả Edward và Bell. Năm 1961, Edward và Bell công bố tác phẩm “Lý thuyết về đo lường lợi nhuận kinh doanh”. Điều này tạo bước ngoặt cho các nghiên cứu tiếp theo về giá hiện hành trong những năm cuối của thể kỷ 20. Trong những năm cuối thế kỷ 20, việc sử dụng giá hiện hành trong khuôn khổ quy định về kế toán ở các nước không còn mang tính bắt buộc do tình hình lạm phát được hạ nhiệt. Vì vậy, việc áp dụng mô hình giá hiện hành cũng giảm dần và những nghiên cứu, tranh luận về giá hiện hành trong thời gian gần đây không còn "nóng" như giai trước.

Mô hình giá đầu ra (Giá trị hợp lý):

Giá đầu ra được các nhà nghiên cứu lý thuyết kế toán đề cập từ thập niên 1930 với nghiên cứu của Keneth Mcneal trong tác phẩm “Sự thật trong kế toán”. Theo Macneal, từ cuối thế kỷ 19, đã có sự thay đổi quan trọng trong hình thức và cấu trúc sở hữu của các công ty cổ phần. Cấu trúc tài chính của doanh nghiệp (DN) cũng thay đổi theo hướng huy động vốn cổ phần và trái phiếu. Do vậy, các báo cáo tài chính trở nên đặc biệt quan trọng trong kế toán. Trên cơ sở đó, kế toán trên cơ sở giá gốc (kế toán giả định) không còn phù hợp, Macneal đề xuất sử dụng giá thị trường (giá đầu ra) là cơ sở chủ yếu để đo lường tài sản và lợi nhuận của DN.

Các quan điểm và lý thuyết về giá đầu ra tiếp tục được nghiên cứu và tranh luận mạnh mẽ hơn từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Tiêu biểu trong số đó là Giáo sư Chamber với tác phẩm “Kế toán cập nhật liên tục” năm 1966. Tiếp tục phát triển tư tưởng về kế toán theo giá đầu ra của Chamber, trong những năm 1970, Sterling đã sử dụng cách tiếp cận kinh tế học để nghiên cứu và chứng minh tính ưu việt của mô hình giá đầu ra so với các mô hình tính giá khác.

Khi việc sử dụng giá đầu ra trong kế toán được giới thiệu, bởi Chamber và Sterling, nhiều học giả khác đã thực hiện các nghiên cứu nhằm ủng hộ hoặc phản biện mô hình tính giá này. Các nghiên cứu của những học giả này đã tạo tranh luận rất sôi nổi về áp dụng mô hình giá đầu ra trong suối các thập niên từ 1960 - 1980.

Những năm 1990 và những năm đầu của thế kỷ 21 chứng kiến xu hướng sử dụng giá đầu ra dưới hình thức giá trị hợp lý ngày càng rộng rãi bởi các tổ chức lập quy về kế toán, tiêu biểu là Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ (FASB) và Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) – hai tổ chức lập quy kế toán có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay. Một khía cạnh đáng lưu ý là FASB và IASB đã thực hiện một dự án chung nhằm hài hòa các quy định về kế toán trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, việc sử dụng giá trị hợp lý là một quan điểm được thống nhất và là định hướng chủ yếu cho việc áp dụng cơ sở tính giá này trong tương lai. Năm 2013, IASB ban hành Chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính số 13 - IFRS 13 “Đo lường giá trị hợp lý” nhằm thống nhất việc xác định và sử dụng giá trị hợp lý trong khuôn khổ hệ thống chuẩn mực kế toán/chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính hiện hành.

Thời gian gần đây, xuất hiện khá nhiều nghiên cứu bàn về khả năng sử dụng giá trị hợp lý thay thế cho giá gốc; Ảnh hưởng của việc áp dụng giá trị hợp lý đến chất lượng của thông tin tài chính; Mối liên hệ giữa giá trị hợp lý với các cuộc khủng hoảng tài chính... Các nghiên cứu này đều kết luận, việc sử dụng giá trị hợp lý trong kế toán là một xu hướng tất yếu song phải thận trọng, tránh việc lạm dụng giá trị hợp lý trong việc “thổi phồng” kết quả kinh doanh và “làm đẹp” báo cáo tài chính của DN.

Để đảm bảo hệ thống kế toán Việt Nam có sự hài hòa và tương thích với hệ thống kế toán các nước, tất yếu phải nghiên cứu, sử dụng các cơ sở tính giá khác ngoài giá gốc. Vì vậy, việc thay thế mô hình giá gốc bởi các mô hình tính giá khác, trong đó có mô hình giá trị hợp lý phải được thực hiện theo một lộ trình thận trọng.

Mô hình tính giá trong phát triển kế toán Việt Nam

Hệ thống kế toán Việt Nam được xây dựng theo định hướng kinh tế thị trường từ những năm 1990, cho đến nay, khuôn khổ quy định về kế toán Việt Nam đã cơ bản đầy đủ. Xét về góc độ nghiệp vụ, Luật Kế toán và các chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành đều quy định sử dụng giá gốc là cơ sở tính giá mang tính nguyên tắc. Chúng tôi cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, ưu tiên hàng đầu đối với thông tin tài chính là tính tin cậy thì việc lựa chọn giá gốc làm mô hình tính giá cơ bản là phù hợp. Ngoài ra, hệ thống kế toán Việt Nam chịu sự ảnh hưởng khá sâu sắc của chính sách thuế và cơ chế quản lý tài chính, thông tin kế toán trên cơ sở giá gốc đảm bảo tính nhất quán với các chính sách này, góp phần đảm bảo hệ thống thông tin quản lý kinh tế, tài chính được thống nhất.

Tuy nhiên, trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam, dẫn đến việc áp dụng mô hình giá gốc thuần túy trong hệ thống kế toán có những hạn chế nhất định:

Thứ nhất, thông tin kế toán trên cơ sở giá gốc không phản ánh toàn diện tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của các DN. Hạn chế này càng bộc lộ rõ đối với những tài sản nhạy cảm với biến động thị trường như các loại chứng khoán đầu tư, bất động sản, các tài sản tài chính khác.

Thứ hai, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã được hình thành một cách khá hoàn chỉnh với đầy đủ các loại thị trường, cơ chế giao dịch trên thị trường cũng đã tiệm cận với nguyên tắc thị trường đầy đủ như các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, một hệ thống kế toán hoàn toàn dựa trên mô hình giá gốc không còn phù hợp. Thông tin trên cơ sở giá gốc có thể dẫn đến các quyết định kinh tế không thực sự đúng đắn, phân bổ một cách không hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia.

Thứ ba, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn vào các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các tổ chức tài chính, kinh tế trên toàn cầu. Do vậy, để đảm bảo hệ thống kế toán Việt Nam có sự hài hòa và tương thích với hệ thống kế toán các nước, tất yếu phải nghiên cứu, sử dụng các cơ sở tính giá khác ngoài giá gốc.

Trên cơ sở nghiên cứu về các mô hình tính giá trong tiến trình phát triển của kế toán ở các nước, chúng tôi đề xuất vận dụng kết hợp các mô hình tính giá trong hệ thống kế toán Việt Nam với nền tảng cơ bản là mô hình giá gốc, kết hợp với mô hình giá trị hợp lý. Một số khía cạnh cụ thể của sự vận dụng kết hợp hai mô hình này như sau:

Một là, mặc dù thời gian gần đây, mô hình giá trị hợp lý đang nổi lên như một phương án thay thế cho mô hình giá gốc truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế mô hình giá gốc vẫn có vị trí quan trọng trong hệ thống kế toán các nước. Ở Việt Nam, mô hình giá gốc đã được áp dụng như một mô hình tính giá duy nhất, quen thuộc đối với những người làm kế toán và sử dụng thông tin kế toán. Vì vậy, việc thay thế mô hình giá gốc bởi các mô hình tính giá khác, trong đó có mô hình giá trị hợp lý cần phải được thực hiện theo một lộ trình thận trọng. Mặt khác, giá trị hợp lý mới được đề cập trong khuôn khổ pháp lý và thực tiễn kế toán Việt Nam, cách tiếp cận và các kỹ thuật cụ thể của mô hình này còn khá xa lạ với những người làm công tác kế toán và sử dụng thông tin tài chính. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị, Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán nên cho phép các đơn vị lựa chọn mô hình giá gốc hoặc mô hình giá trị hợp lý.

Hai là, từ lý thuyết và thực tiễn trên thế giới và Việt Nam đều khẳng định, giá trị hợp lý có nhiều ưu thế hơn so với giá gốc trong điều kiện thị trường vận hành một cách hiệu quả. Tuy nhiên, giá trị hợp lý cũng có nguy cơ bị lạm dụng dẫn đến phản ánh sai lệch tình trạng và kết quả tài chính của đơn vị. Do đó, trong điều kiện các loại thị trường đang trong quá trình hoàn thiện như Việt Nam, việc sử dụng mô hình giá trị hợp lý cần rất thận trọng theo hướng quy định cụ thể điều kiện để mô hình giá trị hợp lý có thể được áp dụng.

Ba là, thông tin tài chính trên cơ sở giá trị hợp lý đặc biệt hữu ích với các chủ thể sử dụng thông tin khi ra các quyết định liên quan đến thị trường chứng khoán. Phần lớn là các DN nhỏ và vừa thực hiện công tác kế toán một cách tương đối đơn giản, chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của chính sách thuế. Vì vậy, việc áp dụng mô hình giá trị hợp lý trong kế toán nên đặt ra trước hết với các DN niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán. Về ngắn hạn, chưa nên đặt ra vấn đề áp dụng giá trị hợp lý đối với các DN nhỏ và vừa.

Bốn là, vận dụng kết hợp mô hình giá gốc và giá trị hợp lý đối với các tài sản, nợ phải trả khác nhau theo nguyên tắc: Các tài sản dài hạn mà giá cả thị trường ít biến động thì ưu tiên áp dụng mô hình giá gốc. Các tài sản này có thể được đánh giá lại theo giá trị hợp lý với mỗi chu kỳ từ 3 - 5 năm khi có sự chênh lệch đáng kể giữa giá trị thị trường và giá gốc của tài sản. Các tài sản sẵn sàng để bán và giá cả thường xuyên biến động có thể được đánh giá định kỳ hàng năm theo mô hình giá trị hợp lý nếu giá trị hợp lý có thể được xác định một cách đáng tin cậy.

Năm là, một trong những hạn chế khi áp dụng mô hình giá trị hợp lý là mức độ tin cậy của thông tin kế toán có nguy cơ bị suy giảm. Do vậy, cùng với việc cho phép áp dụng mô hình giá trị hợp lý trong đánh giá tài sản và nợ phải trả để trình bày trên báo cáo tài chính, khuôn khổ pháp lý kế toán cần nhấn mạnh đến các thuyết minh, giải trình về điều kiện thị trường, cơ sở và phương pháp xác định giá trị hợp lý. Việc công bố một cách minh bạch cơ sở và phương pháp xác định giá trị hợp lý vừa đảm bảo người sử dụng hiểu thông tin tài chính của DN một cách đầy đủ và toàn diện, vừa đảm bảo thông tin đó được thu nhận, xử lý theo phương pháp phù hợp, đáng tin cậy.

Mô hình tính giá là một trong những vấn đề trọng tâm của kế toán. Vì vậy, việc lựa chọn mô hình tính giá trong hệ thống kế toán ở mỗi quốc gia là rất quan trọng trên cơ sở phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội và đảm bảo hài hòa với hệ thống kế toán các nước trong khu vực và trên thế giới. Ở Việt Nam, việc áp dụng các mô hình tính giá khác thay thế cho mô hình giá gốc cũng là một thách thức chủ yếu cho tiến trình hội nhập quốc tế về kế toán. Vấn đề này cũng đang được bàn thảo sôi nổi trong các diễn đàn khoa học, đóng góp ý kiến hoàn thiện Luật và chuẩn mực kế toán Việt Nam. Với nghiên cứu này, chúng tôi cho rằng, việc sử dụng kết hợp mô hình giá gốc và giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam là tất yếu trong giai đoạn hiện nay nhưng cần được thực hiện theo một lộ trình thận trọng.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2005), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, NXB Tài chính;

2. Học viện Tài chính (2014), Nguyên lý kế toán, NXB Tài chính;

3. Y. Ijiri(1967), The foundation of Acconting Measurement, NXB Prentice Hall;

4. Robert Mautz (1973), A few words for historical cost;

5. Sterling Robert (1971), Asset valuation and Income determination;

6. W.Paton (1922), Accounting theories, With special reference to the corporate enterprirse, Ronald Press Co;

7. Jammes McKeown (1973), Comparative application of market and cost based accounting models, Journal of Accounting research, Spring, 1973;

8. Nobes et al (2012), Comparative International Accounting, Prentice Hall;

9.Veron Kam (1990), Accounting theories, Wiley & Son.