Các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất cho vay
Đây là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng với mức chi phí ưu đãi, thủ tục ngày càng thuận lợi hơn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 13,8 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, động lực cạnh tranh của các ngân hàng càng nhiều hơn.
Để kích cầu cho vay, thời gian gần đây, cùng với việc công khai thông tin lãi vay bình quân, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói vay ưu đãi.
Đơn cử như VietinBank, mới đây đã công bố gói cho vay 300.000 tỷ đồng, lãi suất thấp nhất 5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn.
Theo đó, mức lãi suất đặc biệt cạnh tranh này được ưu tiên áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng đa dạng sản phẩm, dịch vụ tại VietinBank, chuyển nguồn thu xuất khẩu về giao dịch tại ngân hàng này, khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên...
Tại Vietcombank cũng công khai mức cho vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn, lãi suất từ 5,3%/năm và lãi suất từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, Vietcombank giảm luôn 0,5% lãi suất cho các khách hàng đang vay vốn ở một số lĩnh vực, mà không cần phải đi vay khoản mới mới được hỗ trợ. Đồng thời, đa dạng thêm các hình thức thế chấp, tín chấp không cần tài sản đảm bảo để thu hút người vay.
Các ngân hàng cổ phần cũng chạy đua giảm lãi vay, cũng như thủ tục để thu hút khách. Như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng từ 7,2%/năm (0,6%/tháng) đối với khách hàng cá nhân.
Thời gian ưu đãi lãi suất vay cố định kỳ đầu lên đến 24 tháng, cùng với thời gian ân hạn vốn lên đến 12 tháng, phương thức trả vốn gốc và lãi vay linh hoạt phù hợp với nhu cầu và dòng tiền của khách hàng.
Ngoài ra, ACB còn cho vay mua ô tô, khách hàng có thể thế chấp bằng chính chiếc xe mua (mua mới hay qua sử dụng) làm tài sản bảo đảm, số tiền vay lên đến 90% phương án sử dụng vốn, thời gian vay tối đa lên đến 7 năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng vừa đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống chỉ còn từ 5,79%/năm.
Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, lãi suất vay được điều chỉnh giảm chỉ từ 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Đồng thời, với gói vay ưu đãi mua nhà, khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi giải ngân tới 90% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm, thời gian ưu đãi lãi suất và ân hạn gốc kéo dài tới 24 tháng.
Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng có thể được giảm thêm tối đa 1%/năm.
PVcombank cũng vừa tung ra gói tín dụng lên tới 15.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ từ 5,99%/năm. Theo đó, tùy theo mục đích vay vốn, khách hàng có thể được hưởng lãi suất ưu đãi nói trên đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: vay sản xuất kinh doanh; vay mua xây sửa nhà… Đồng thời linh hoạt phương án trả nợ trong toàn bộ thời gian vay.
Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc nhỏ và vừa, tiểu thương, hộ kinh doanh… cũng có thể tiếp cận chương trình này để bổ sung nguồn vốn lưu động nhằm phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh với thời gian vay lên tới 10 năm.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang gặp khó, tiền gửi của người dân trong hệ thống ngân hàng lại cao kỷ lục, các nhà băng đang cạnh tranh quyết liệt để tìm khách hàng vay tốt.
Chính vì vậy, đây là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng với mức chi phí ưu đãi, thủ tục ngày càng thuận lợi hơn.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát định hướng chỉ đạo, điều hành với ngành Ngân hàng năm nay bằng ba cụm từ: "5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá", trong đó có mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.