Doanh nghiệp mong được giảm thêm lãi suất để phục hồi sản xuất kinh doanh

Minh Vân

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lãi vay, khả năng tiếp cận vốn đang là bài toán thách thức với nhóm doanh nghiệp bất động sản và sản xuất kinh doanh.

Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ngày 14/3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

NHNN cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, sản xuất kinh doanh đều đề cập đến vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. 

Cụ thể, hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Sun Group đề nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cũng bày tỏ mong muốn với các chính sách hiện hành cũng như trong tương lai hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, Chính phủ sẽ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, ông Quảng Văn Viết Cương - Phó giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) cho rằng, việc tiếp cận tín dụng của Becamex là không khó, còn vướng mắc chủ yếu là do cơ chế. Lãnh đạo Becamex mong các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, để có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất, đảm bảo lĩnh vực mới này phát triển vì hiện nay phát triển năng lượng tái tạo chưa có ưu đãi đặc biệt, khác biệt so với những quy định hiện tại.

Khó tiếp cận vốn không chỉ ở nhóm doanh nghiệp bất động sản mà ngay cả những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng đang gặp khó. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Theo ông Trường, nhìn chung hiện nay lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, với Vinatex hiện nay, thì mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu.

"Đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2/2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023", ông Lê Tiến Trường chia sẻ.