Các nhà bán lẻ Mỹ tại thị trường Nga: Không kịp tháo chạy
(Tài chính) Nhiều thương hiệu bán lẻ của Mỹ đang bị dồn ép giữa cuộc đối đầu ăn miếng trả miếng giữa Nga và phương Tây.
Tiffany chỉ là một trong nhiều nhà bán lẻ Mỹ gần đây đặt cược vào thị trường Nga vì tiềm năng và sự ổn định của thị trường này. Trong năm qua, các công ty Standard & Poor 500 đã nhắc đến Nga ít nhất 350 lần trong những hội nghị tài chính, theo Bloomberg. Thực tế, với thu nhập đang tăng, người dân Nga đang háo hức với những món đồ Mỹ như iPhone, bánh mì kẹp thịt McDonald, mỹ phẩm Estee Lauder, đồng hồ Fossil...
Năm 1990, người Nga chào đón cửa hàng đầu tiên của McDonalds không kém gì khi họ đón ban nhạc danh tiếng The Beatles. Tính riêng từ năm 2010, Cinnabon, Burger King, Dunkin Donuts và Wendy đều đã thâm nhập thị trường Nga. Gần đây, Burger King thông báo sẽ tăng số nhà hàng từ 64 lên vài trăm trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2017 sau khi ký thỏa thuận hợp tác với đối tác mới - ngân hàng đầu tư nhà nước VTB Capital của Nga.
Cách đây vài tháng, hãng thời trang VF Corp đã mở cửa hàng đầu tiên tại Moscow để bán giày thể thao Van. Trong khi đó, Công ty Mattel với búp bê nổi tiếng American Girl, đã có doanh số tăng gấp ba lần tại thị trường Nga vào năm ngoái. Tất nhiên, hãng thời trang thể thao Nike cũng đã đặt cược vào thị trường Nga từ lâu. "Chúng tôi vẫn là những thương hiệu thể thao được lựa chọn hàng đầu ở thị trường Nga và Đông Âu", Trevor Edwards, Chủ tịch của Nike, cho biết.
Dường như các biện pháp trừng phạt này bề ngoài không ảnh hưởng trực tiếp tới các mặt hàng như iPad, giày Air Jordan... Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt theo kiểu ăn miếng trả miếng giữa Nga và phương Tây ngày càng mở rộng và kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư Mỹ thực sự lo ngại.
Tuần trước, Visa và Mastercard đã ngừng cung cấp dịch vụ giao dịch thanh toán cho khách hàng ở Bank Rossiya. Trong khi đó, đồng rúp mất giá thê thảm, giảm hơn 25% so với đồng USD, khiến giới kinh doanh Mỹ tại Nga lo lắng có thể phải sớm kéo va li về nước trước viễn cảnh rối loạn tỷ giá hối đoái. Không chỉ các công ty công nghiệp như Boeing, General Electric lo ngại, đại diện hãng nước ngọt PepsiCo cũng lên tiếng cho rằng trừng phạt kinh tế Nga sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào các lợi ích của chính Mỹ bởi vì hoạt động ở Nga là một nhân tố trung tâm trong chiến lược toàn cầu của họ.
Theo một báo cáo năm 2013 của Earnst & Young, các công ty Mỹ hiện giữ vai trò là nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ và tài chính. Mối quan tâm của các doanh nghiệp đối với thị trường Nga đã gia tăng kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2012.
Đối với các công ty Mỹ, nếu Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt lên Nga, thì hai rủi ro có thể xảy ra. Một là Nga có thể trả đũa bằng cách trừng phạt các lợi ích của Mỹ, và hai là người Nga có thể chống lại các công ty Mỹ, tẩy chay hàng hoá Mỹ. Một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết, cơ quan này đã lắng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Nga bày tỏ sự quan ngại. Theo vị này, lẽ ra các công ty đang làm ăn ở Nga phải biết trước được những rủi ro khi rót vốn vào đó.