Các nhà lãnh đạo APEC sẽ ra cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC sẽ ra cảnh báo chống nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ, quyết tâm hợp tác hướng tới hiện thực hóa nơi sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Theo hãng tin Kyodo, một bản dự thảo thông cáo ngày 12/11 cho thấy lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea sẽ ra cảnh báo chống nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời quyết tâm hợp tác hướng tới hiện thực hóa nơi sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc đạt được sự đồng thuận như trên có thể gặp khó khăn trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất APEC là Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại liên quan tới nhiều hình thái của chủ nghĩa bảo hộ. Bản dự thảo thừa nhận tầm quan trọng của việc hướng tới các thị trường mở và tự do tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bản dự thảo nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ hoạt động hiệu quả của Hệ thống thương mại đa phương (MTS) toàn diện, mở cửa, không phân biệt, minh bạch và dựa trên nguyên tắc, như được thể hiện trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)". Văn kiện dự thảo thừa nhận "vai trò của tự do hóa thương mại và tạo điều kiện thuận lợi trong việc đạt được tăng trưởng toàn cầu ổn định".
Tuy nhiên, dự thảo cảnh báo các lĩnh vực mới của tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều rào cản cũng như sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ.
Để đối phó với mối đe dọa trên, các nhà lãnh đạo kinh tế sẽ "thừa nhận tầm quan trọng của chương trình nghị sự hội nhập kinh tế khu vực của APEC, tiến trình hướng tới hiện thực hóa sau cùng một Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương". Dự kiến, một thông cáo chung sẽ được lãnh đạo các nền kinh tế APEC đưa ra tại hội nghị bắt đầu vào ngày 17/11 tới tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.
Nhằm đảm bảo an ninh tối đa cho lãnh đạo các nền kinh tế thế giới tham dự APEC, Papua New Guinea sẽ triển khai các tàu chiến, máy bay chiến đấu và các lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố từ nhiều quốc gia. Khoảng 4.000 quân nhân, một nửa trong số này thuộc lực lượng nước ngoài, sẽ phối hợp với hàng trăm cảnh sát tuần tra ở thủ đô Port Moresby.
Theo dự kiến, khoảng 15.000 đại biểu sẽ tham dự hội nghị. Do thiếu địa điểm lưu trú trên đất liền, nhiều đại biểu sẽ được bố trí nghỉ đêm trên 3 tàu du lịch neo đậu tại bến cảng, do đó công tác đảm bảo an ninh thêm phức tạp.
Để đảm bảo an ninh cho các đoàn đại biểu tham dự sự kiện, Chính phủ Papua New Guinea đã đề nghị Australia, Mỹ và New Zealand hỗ trợ. Theo đó, các nước này đã điều tàu chiến tới bảo vệ các vùng bờ biển của thủ đô Port Moresby và các lực lượng đặc nhiệm tham gia đảm bảo an ninh, trong khi Papua New Guinea huy động khoảng 2.000 binh sĩ của nước này. Các bên đã phối hợp lên kế hoạch đảm bảo an ninh cho sự kiện trong hơn 1 năm qua.