Các nước cắt giảm sản lượng, giá dầu WTI tăng gần 10% trong tuần qua
Ngay từ đầu tuần này, giá dầu thế giới đã lần lượt tăng 2-3% khi UAE cho rằng những nước OPEC+ chưa thực sự tuân thủ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ thực hiện cam kết của họ.
Giá dầu thế giới đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua và phiên tăng cuối tuần đã giúp giá dầu ngọt nhẹ (WTI) khép tuần với mức tăng gần 10%.
Điều này diễn ra trong bối cảnh việc các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, siết chặt mức độ tuân thủ về cắt giảm sản lượng, trong khi kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu phục hồi đã làm gia tăng triển vọng nhu cầu năng lượng.
Ngay từ đầu tuần này, giá dầu thế giới đã lần lượt tăng 2-3%, sau khi Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bày tỏ sự tin tưởng rằng những nước OPEC+ chưa thực sự tuân thủ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ thực hiện cam kết của họ.
Ngoài ra, trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 sẽ ở mức 91,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 500.000 thùng/ngày so với dự báo trong báo cáo tháng Năm, nhờ hoạt động tiêu dùng mạnh hơn dự đoán trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19, qua đó càng góp phần hỗ trợ giá dầu đi lên.
Tuy nhiên, IEA nhận định sự sụt giảm trong hoạt động hàng không do dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu dầu của thế giới không thể quay về các mức trước đại dịch vào trước năm 2022.
Điểm tối duy nhất của thị trường dầu mỏ trong tuần qua là phiên 17/6, khi giá hai loại dầu chủ chốt đều giảm trước những quan ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu do sự gia tăng số ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với các ổ dịch mới xuất hiện ở Trung Quốc và Mỹ, trong khi dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi ngay trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, khi Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC), cơ quan giám sát mức độ tuân thủ hạn ngạch sản lượng do OPEC+ lập ra, đã tổ chức cuộc họp trực tuyến và hối thúc các quốc gia như Iraq và Kazakhstan tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng dầu một cách nghiêm túc hơn.
Cơ quan này cũng để ngỏ khả năng gia tăng hoặc giảm bớt các mức cắt giảm kỷ lục từ tháng 8/2020.
Dự kiến, những thành viên khác có tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận thấp đến ngày 22/6 sẽ phải gửi kế hoạch bù đắp mức sản lượng đã vượt mức mục tiêu.
JMMC sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 15/7 để đề xuất các mức cắt giảm sản lượng tiếp theo nhằm hỗ trợ giá dầu, vốn đã giảm mạnh do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/6, giá dầu WTI giao tháng 7/2020 trên sàn NYMEX tăng 91 xu Mỹ (tương đương 2,3%) lên 39,75 USD/thùng, sau khi chạm đỉnh 40,50 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu này hiện đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 6/3/2020 và tăng 9,6% trong cả tuần qua.
Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2020 tăng 68 xu (tương đương 1,6%) lên 42,19 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức tăng trong tuần lên 8,9%.
Các chuyên gia phân tích cho biết các cuộc thảo luận mới của Liên minh châu Âu (EU) về một quỹ phục hồi để giúp các nước có kinh tế khó khăn và sự dịu bớt căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung đang giúp thúc đẩy triển vọng nhu cầu dầu thô.
Dữ liệu cùng ngày từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 10 giàn xuống còn 189 giàn trong tuần này. Con số này liên tục giảm mỗi tuần kể từ giữa tháng 3/2020.