Giá dầu khó phục hồi
Giới phân tích cảnh báo thị trường dầu thế giới vẫn rất nhạy cảm trước nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát
Giá dầu thế giới giảm hơn 5% hôm 22/5 xuống còn 34 USD/thùng trong bối cảnh gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc xen lẫn hoài nghi về tốc độ phục hồi nhu cầu dầu trong cuộc khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19.
Ông Stephen Brennock, nhà phân tích thị trường dầu mỏ của Tập đoàn PVM (Anh), nhận định với hãng tin Reuters: "Các nhà đầu tư trên thế giới một lần nữa phải đối mặt với một cuộc đấu khẩu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 đã vô hiệu hóa sự tăng trưởng nhu cầu về dầu trong một thập kỷ và khả năng phục hồi có thể sẽ diễn ra khá chậm trong tương lai".
Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc không đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay do không có sự chắc chắn đáng kể nào về việc kiểm soát dịch Covid-19 mặc dù đã công bố một số gói kích thích kinh tế mới. Nhu cầu về dầu tại nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ giảm 5% trong năm nay, theo dự báo của bộ phận nghiên cứu thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá dầu được cho là sẽ khởi sắc một khi thị trường cân bằng trở lại. Mỹ đang trong quá trình cắt giảm sản lượng 1,75 triệu thùng mỗi ngày cho đến đầu tháng 6, theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit. Mức giảm này dựa trên thỏa thuận của OPEC + (gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh) nhất trí cắt giảm 10 triệu thùng/ngày, có hiệu lực từ đầu tháng 5.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của Ngân hàng Commerzbank (Đức) lạc quan rằng giá dầu hiện đã phục hồi đáng kể từ mức thấp kỷ lục trong tháng 4 khi nguồn cung được cắt giảm, các quốc gia bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19, vốn làm đình trệ nhiều lĩnh vực tiêu thụ dầu như giao thông vận tải và sản xuất.
Trái lại, một số nhà phân tích cảnh báo thị trường dầu vẫn dễ bị thiệt hại trước nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát dẫn đến các biện pháp phong tỏa mới. Trước đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm ở mức kỷ lục trong năm nay, đồng thời cảnh báo viễn cảnh tồi tệ nhất vẫn chưa chấm dứt. Theo nhà phân tích Weinberg, nhu cầu dầu mỏ đã chạm đáy trong khi nguồn cung từ OPEC+ và Bắc Mỹ đang giảm mạnh.
Do vậy, thị trường dầu mỏ không còn dư thừa như lo ngại. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng một khi nhu cầu gia tăng trở lại nhưng phần lớn sản lượng dầu bị cắt giảm sẽ dẫn đến thâm hụt nguồn cung trong nửa sau của năm nay.
Đồng quan điểm, ông Victor Shum, phó chủ tịch về tư vấn năng lượng tại IHS Markit ở Singapore, cho rằng: "Khả năng phục hồi nhu cầu về dầu vẫn dễ bị tác động. Giá dầu giảm hôm nay là ví dụ thực tế. Trung Quốc đã không đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP đồng nghĩa với việc họ chưa hoàn toàn chắc chắn về khả năng phục hồi".
Trước đó, theo hãng tin Reuters, báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội, NPC) không đề cập mục tiêu tăng trưởng GDP, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc không đặt mục tiêu này kể từ năm 1990, thời điểm Bắc Kinh bắt đầu công bố chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thường niên.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 6,8% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của đại dịch Covid-19. Đây cũng là mức giảm đầu tiên sau nhiều thập niên tăng trưởng tại Trung Quốc.
Bất chấp khó khăn về kinh tế, Trung Quốc vẫn tăng chi tiêu quốc phòng năm 2020 trong nỗ lực đẩy mạnh các mục tiêu quân sự. Cũng trong phiên họp cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố sẽ duy trì đà tăng ngân sách quốc phòng trong năm nay ở mức 6,6% so với năm ngoái. Ngân sách quốc phòng cho năm nay dự kiến khoảng 178,16 tỉ USD, mức đầu tư quân sự lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.