Các nước phản đối Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp
Từ Mỹ tới Anh quốc, từ Đức tới Úc, sự chống đối đang tăng mạnh đối với kế hoạch của các công ty Trung Quốc – thường được Nhà nước hậu thuẫn – nhằm mua lại, hoặc đầu tư vào các mạng lưới điện, nhà máy điện hạt nhân, công nghệ rô-bốt hoặc công nghệ lưu trữ dữ liệu máy tính ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang bỏ ra nhiều tiền hơn bao giờ hết để thâu tóm công ty nước ngoài, chủ yếu ở các nước phát triển, và các chính trị gia phương Tây ngày càng lo ngại về những tác động tiềm ẩn của các thương vụ này đối với nền công nghệ và cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia.
Tuần trước, Chính phủ Australia đã viện dẫn mối quan ngại về an ninh quốc gia để ngăn chặn một công ty điện lực quốc doanh Trung Quốc và một công ty tư nhân Hồng Kông hợp vốn bỏ thầu mua quyền kiểm soát một nhà cung cấp điện hàng đầu nước Australia.
Tuần trước nữa, chính phủ Anh đột ngột tuyên bố sẽ xem xét lại kế hoạch cho phép một công ty quốc doanh Trung Quốc đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Anh có vốn lên tới 24 tỉ đô la Mỹ.
Một cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Theresa May trước đây đã đưa ra lời cảnh báo chống lại “việc cho phép một nhà nước thù nghịch được tiếp cận dễ dàng cơ sở hạ tầng quốc gia thiết yếu của đất nước”. Lời cảnh báo này làm dấy lên đồn đoán rằng, phía sau quyết định “xem xét lại” của bà May là những mối lo ngại về an ninh.
Bắc Kinh, tất nhiên là rất phẫn nộ. Trung Quốc tố cáo Úc đi theo chủ nghĩa bảo hộ và đe dọa vấn đề dự án hạt nhân có thể phá hỏng quan hệ giữa hai nước Trung - Anh.
Trong bài xã luận cuối tuần trước, hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân hoa xã cảnh báo: “Nói rằng Trung Quốc sẽ giữ làm con tin mạng lưới điện của các quốc gia khác vì những động cơ bí mật thì thật phi lý và hài hước bởi vì trên thế giới ai cũng công nhận rằng uy tín của doanh nghiệp là quan trọng nhất đối với hoạt động của công ty”.
Ở Mỹ, những thương vụ mua bán lớn của Trung Quốc cũng đang được xem xét kỹ.
Hồi tháng 2-2016, tập đoàn sản xuất thiết bị lưu trữ lớn nhất thế giới Western Digital cho biết họ đã hủy bỏ một kế hoạch tiếp nhận khoản đầu tư 3,8 tỉ đô la Mỹ từ một công ty Trung Quốc bởi vì Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFI) quyết định sẽ điều tra thương vụ này.
Các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu ủy ban CFI điều tra vụ Trung Quốc thâu tóm sàn giao dịch chứng khoán Chicago và vụ tập đoàn hóa chất quốc gia Trung Quốc ChemChina mua lại tập đoàn hóa chất nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ – nhà sản xuất hạt giống và thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất thế giới – với giá 43 tỉ đô la, vụ mua lại lớn nhất của Trung Quốc từ trước tới nay.
Trong khi đó, vụ nhà sản xuất đồ dùng gia đình Midea của Trung Quốc thâu tóm công ty công nghệ rô-bôt Kuka của Đức đã làm dấy lên lời kêu gọi châu Âu phải có biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với làn sóng đầu tư và thâu tóm của Trung Quốc. Những phản ứng căng thẳng này có phần do hoạt động thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài của Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh.
“Khi chúng tôi nói tới khách mua là Trung Quốc thì người ta luôn nghĩ tới rủi ro về an ninh quốc gia. Điều này cũng có phần do môi trường chính trị quốc tế hiện nay”, luật sư Ke Geng của hãng luật O'Melveny & Myers chuyên tư vấn cho các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, nhận định.
Tuy nhiên, ông Geng cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ không bỏ cuộc trước những cản trở mà họ phải đối mặt ở phương Tây vì khi quyết định đầu tư ra nước ngoài, các công ty Trung Quốc biết trước các thử thách, họ biết an ninh quốc gia là mối quan tâm hàng đầu.
GS. Chen Lin, khoa tài chính Đại học Hồng Kông, cũng đồng ý như vậy. “Tôi không nghĩ những vụ phản đối như trên có thể ngăn cản những nỗ lực tương lai [của các doanh nghiệp Trung Quốc. Mua bán sáp nhập xuyên biên giới là một xu hướng ngày càng mạnh, mà không chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước – bạn sẽ thấy ngày càng có nhiều công ty tư nhân Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Lin nói.