Các thị trường mới nổi châu Á chưa thể "thở phào" vì Fed
Các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, sẽ cần sẵn sàng cho tác động từ việc Fed duy trì chính sách "diều hâu" trong thời gian dài hơn.
Trước khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức cao như hiện nay, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã nhấn mạnh rằng hậu quả nghiêm trọng hơn có thể sẽ xảy ra ở các thị trường mới nổi.
Trả lời phỏng vấn CNBC hôm 29/4, bà Georgieva nói: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều đối với các quốc gia nơi tác động của lãi suất cao ở Hoa Kỳ sâu sắc hơn. Chúng tôi cũng thấy một số điều này ở Nhật Bản, nơi sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách phải được tăng cường để theo dõi cẩn thận những biến động đang trở nên phức tạp hơn. Ở châu Âu, điều này không xảy ra”.
Triển vọng duy trì lãi suất 5,25 – 5,5% tại Mỹ khiến tỷ giá của hầu hết các nền kinh tế khác đều tăng vọt trong những năm gần đây. Cuối tháng 4 vừa qua, giá trị đồng Yên Nhật đã suy yếu xuống mức 158 yên/USD tại New York - mức thấp nhất trong 34 năm.
Các thị trường mới nổi lo lắng
Môi trường lãi suất cao của Mỹ thường là tin xấu đối với các thị trường mới nổi, vì nó khiến các khoản nợ của họ - thường được định giá bằng USD- trở nên đắt đỏ hơn. Nó cũng có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra ngoài khi các nhà đầu tư lựa chọn lợi nhuận tốt hơn ở Mỹ và có thể gây ra các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn nhiều.
Kevin Liu, Giám đốc chiến lược về thị trường Trung Quốc và hải ngoại tại CICC Research, nói về động thái Fed duy trì chính sách cứng rắn: “Điều này đổi lại sẽ gây ra sự hỗn loạn thị trường ở thị trường châu Á và khu vực thông qua tâm lý và dòng vốn”.
Liu kỳ vọng thị trường sẽ tham gia giao dịch trong phạm vi giới hạn trong quý hai của 2024, dự báo các nhà đầu tư sẽ giữ vị thế phòng thủ tương đối bằng cách xây dựng khả năng tiếp cận với các khoản cổ tức cao và nắm giữ các cổ phiếu công nghệ.
Thị trường châu Á gần đây cũng diễn biến rất khác nhau trước thông tin của Fed. Chứng khoán Thái Lan và Singapore tăng điểm, trong khi thị trường chứng khoán ở Thượng Hải (Trung Quốc), Philippines hay Việt Nam giảm điểm.
Tại khu vực đồng euro, IMF “không quá lo lắng” về tác động của tỷ giá hối đoái. Theo phân tích của IMF, chênh lệch lãi suất cơ bản giữa Fed và ECB chỉ có khả năng gây ra biến động 0,1 - 0,2% trong tỷ giá hối đoái giữa USD và EUR. Bởi vậy, lãnh đạo IMF khẳng định “điều đó có nghĩa vấn đề này không phải là lớn ở châu Âu.”
Khả năng Fed lùi lịch giảm lãi suất
Trước cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày mới nhất của Fed, các nhà quan sát trên thế giới dự báo gần như chắc chắn cơ quan này sẽ giữ ổn định lãi suất ở mức hiện nay.
Trước chỉ số lạm phát 3 tháng gần đây diễn biến không như ý – ngày càng xa mục tiêu 2% - lãnh đạo Fed đã nói: “Dữ liệu gần đây rõ ràng không mang lại cho chúng tôi niềm tin lớn hơn mà thay vào đó cho thấy rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được niềm tin đó”.
Fed đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc hạ lạm phát xuống mức mục tiêu 2% sau khi nó tăng lên mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ đã bị đình trệ trong năm nay và thậm chí còn có nguy cơ đảo ngược, khiến các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ phải đánh giá thấp thời điểm băt đầu cắt giảm lãi suất.
Khi cuộc họp mới nhất của Fed bắt đầu vào ngày 30/4 theo giờ Mỹ, hai dữ liệu quan trọng càng làm suy yếu triển vọng hạ lãi suất. Theo đó, chỉ số chi phí nhân công (ECI) đã tăng ở mức 4,2% so với cùng kỳ năm trước trong 3 tháng đầu năm nay. Giá nhà ở Mỹ tính đến quý 1/2024 cũng đã tăng 2,1% so với quý trước đó. Đây đều được cho là những con số mà Fed không mong muốn và càng làm suy yếu khả năng hạ lãi suất trong năm 2024.