Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho startup
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup). Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho startup?
Xu hướng mới, cơ hội mới
Theo các số liệu dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng internet kết nối vạn vật (IoT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt tới 5,05 tỷ USD vào năm 2020. Máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây.
Điều này cho thấy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào startup, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển mạnh ở nước ta. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hàng năm Việt Nam có hơn 1.000 doanh nghiệp startup, đã tạo ra động lực, trong sự phát triển của nền kinh tế.
Phó Tổng giám đốc VNPT - Media Nguyễn Văn Tấn phân tích, về yếu tố sáng tạo, chúng ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực, khai thác hiệu quả hơn nữa những nguồn tài nguyên sẵn có. Ví dụ trong nông nghiệp, trước đây sản xuất dựa theo kinh nghiệm, còn bây giờ phải là nông nghiệp thông minh; trước đây năng suất chỉ 5 tấn/ha giờ lên tới 300 tấn/ha.
Về yếu tố kết nối, chúng ta đang sống trong thời đại kết nối với hàng tỷ kết nối giữa con người với con người, con người với máy móc, máy móc với máy móc… Sự kết nối này đang làm thay đổi bản chất giao tiếp giữa con người với nhau, bản chất của sự thay đổi và cung cấp dịch vụ, bản chất của các quá trình tổ chức sản xuất. “Ví dụ trước đây, để bán hàng phải mở cửa hàng để mọi người nhìn thấy, đến xem và mua. Còn giờ đây, chỉ với một cú nhấp chuột, hàng triệu người có thể thấy sản phẩm đang bán và cũng chỉ với một cú nhấp chuột là có thể mua được sản phẩm”, ông Tấn dẫn chứng.
Đây là hai xu hướng đang diễn ra và làm thay đổi nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Hiện đã có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, hay ý tưởng đang được hình thành để đón đầu xu hướng này. Nhiều chuyên gia nhận định, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội công bằng cho tất cả, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp startup cũng có thể đón được làn sóng nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng đón nhận các cơ hội.
Hợp tác cùng có lợi
Cho tới nay, vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về Cách mạng công nghiệp 4.0, song có thể hiểu rằng đó là việc đưa hàm lượng công nghệ, tính sáng tạo cao hơn vào trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Vì vậy, theo các chuyên gia, quá trình này đòi hỏi phải có sự chung tay hợp tác giữa quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng vào đời sống, kinh tế, mà lực lượng nòng cốt của quá trình này chính là các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Đó cũng là lý do tại sao Tập đoàn VNPT đã và đang tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác với các trường đại học trên cả nước để đưa những công trình nghiên cứu, các sản phẩm, ý tưởng triển khai ngay trên hệ thống của VNPT. Ông Nguyễn Văn Tấn cho biết, VNPT đang phát triển các giải pháp thông minh phục vụ chính quyền.
Ví dụ như hệ thống hành chính một cửa, hệ thống quản lý khám chữa bệnh, quản lý giáo dục thông minh… Để phục vụ cho quá trình này, VNPT đang tiếp tục tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ nền tảng, ví dụ công nghệ nhận dạng hình ảnh, công nghệ thực tế ảo để chủ động, sáng tạo hơn trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới...
Đại diện của Trường Đại học Bách khoa thì cho biết, hợp tác với doanh nghiệp là hướng đi không thể khác để các cơ sở đào tạo bắt kịp với xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đại học Bách khoa đã có các dự án hợp tác với Tập đoàn VNPT để đào tạo theo chương trình doanh nghiệp cần và thực hiện các dự án nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp. Thường các sinh viên năm thứ 5 sẽ tham gia các dự án và đây là nguồn nhân lực tiềm năng cho các hoạt động nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp.
Sự hợp tác sẽ là xu hướng tiên quyết để cả nền kinh tế bắt kịp với xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 trên phạm vi toàn thế giới.