Cái bắt tay trị giá 4.5 tỷ USD để phát triển mạng 6G
Hoa Kỳ cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD cho dự án và Nhật Bản đã cam kết tài trợ 2 tỷ USD để phát triển thế hệ truyền thông tiếp theo (6G).
Mới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã thống nhất một khoản đầu tư chung trị giá 4,5 tỷ USD để phát triển thế hệ truyền thông tiếp theo, hay còn được gọi là 6G hoặc “beyond 5G".
Cụ thể, sau buổi gặp tại Washington trong dịp cuối tuần vừa qua, lãnh đạo hai nước đã thống nhất rằng Mỹ và Nhật sẽ đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai các mạng an toàn và công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến.
Trong thông cáo báo chí được phát đi sau buổi gặp, Washington cho biết: “Hoa Kỳ cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD cho dự án này, và Nhật Bản đã cam kết tài trợ 2 tỷ USD."
Hai nhà lãnh đạo hy vọng rằng dự án mới này sẽ mang đến một mạng viễn thông"an toàn và mở", thúc đẩy Mạng truy cập vô tuyến mở (Open-RAN). Washington và Tokyo đều hy vọng rằng mạng truyền thông thế hệ mới này sẽ là một giải pháp thay thế cho mạng truyền thông 5G hiện do Trung Quốc dẫn đầu.
Open-RAN là một nền tảng mã nguồn mở, nơi các nhà khai thác mạng có thể kết hợp và tận dụng phần cứng từ các nhà cung cấp khác nhau mà không cần phải sở hữu toàn bộ hệ thống ăng-ten và trạm gốc.
Hiện tại, các công ty Trung Quốc như Huawei Technologies và ZTE nắm giữ khoảng 40% thị phần trạm gốc, trong khi đó các công ty châu Âu như Eriksson và Nokia, hay Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng là những đối thủ nặng ký khác. Các doanh nghiệp này chiếm tới 90% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản hoàn toàn tụt lại phía sau trong cuộc chơi công nghệ này.
Về bằng sáng chế 5G, Công ty Qualcomm của Mỹ chỉ sở hữu khoảng 10% - ngang bằng với Huawei, trong khi đó công ty hàng đầu của Nhật Bản NTT Docomo chỉ có khoảng 6%.
Chính quyền của ông Tập Cận Bình đã tự tin sau khi bắt kịp các nước tiên tiến trong cuộc đua phát triển 5G. Hiện nay mục tiêu của Bắc Kinh là phải tiếp tục thành công trong công nghệ 6G. Vào tháng 3 vừa qua, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Quốc hội Trung Quốc đã thông qua kế hoạch phát triển công nghệ trong tương lai, trong đó có cả việc phát triển mạng 6G.
Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” đó, các quan chức chính phủ Nhật Bản rất lo ngại sự khởi đầu muộn của đất nước mặt trời mọc trong cuộc đua 5G. "Ngay cả khi chúng tôi có công nghệ tốt hơn, chúng tôi cũng không thể chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần", một quan chức ở Tokyo cho biết.
Nhưng muộn còn hơn không, Tokyo quyết tâm ghi tên mình trên bản đồ công nghệ quốc tế ngay từ đầu cuộc đua 6G. Với mục tiêu nâng tỷ lệ bằng sáng chế của Nhật Bản lên 10%, một tổ chức liên kết giữa công nghiệp-chính phủ và học viện đã được thành lập vào cuối năm ngoái.
Nhật Bản tin rằng việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển của truyền thông thế hệ tiếp theo và do đó chính phủ của Thủ tướng Sugar đã bắt tay hợp tác với Hoa Kỳ để có thể có được những lợi thế trong vấn đề này.
Một trong những mục tiêu của “cái bắt tay Mỹ - Nhật” lần này là mở rộng hợp tác về truyền thông tới các "nước thứ ba" để thúc đẩy kết nối an toàn. Việc bổ sung các đối tác vào sáng kiến do Mỹ - Nhật dẫn đầu sẽ giúp cạnh tranh với Trung Quốc để thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu.
Dự án này cũng ủng hộ sự hợp tác trên các chuỗi cung ứng nhạy cảm, bao gồm cả chất bán dẫn. Mặc dù vậy, ở thời điểm này các doanh nghiệp Nhật Bản có những phản ứng khác nhau trước dự án trên.
Trong khi một số nhà sản xuất chip thì tỏ ra hoan nghênh và cho rằng nếu chính phủ có những trợ cấp để giúp các công ty có thể tăng cường chuỗi cung ứng ở các quốc gia khác ở cùng “chiến tuyến”, và điều đó sẽ làm giảm chi phí thiết lập các cơ sở ở Nhật Bản, thì một số đơn vị sản xuất chip khác lại cho biết, nếu Mỹ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, thì các công ty này sẽ rất khó để phát triển hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc – vốn là thị trường lớn của các nhà sản xuất thiết bị Nhật Bản.
Giám đốc điều hành Boston Consulting Group – ông Yuichi Koshiba cho rằng sự can thiệp sâu rộng của Chính phủ vào thị trường chip sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp này. Theo ông Koshiba, “các Chính phủ không nên cố gắng kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu để phù hợp với lợi ích quốc gia của mình”.