Cải cách đồng bộ hệ thống thuế: Khắc phục những bất cập hiện hành
Trong nhiều năm qua, việc triển khai các Luật thuế đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong điều kiện tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, mức độ hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta ngày càng cao, thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế hiện hành nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung này cũng nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết này, thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, của Chính phủ, đồng thời thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, đảm bảo tương thích, phù hợp với các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…, trên cơ sở kết quả rà soát các luật thuế hiện hành, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4191/BTC-CST ngày 30/3/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành, gồm có Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế tài nguyên.
Ngày 06/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật
Tại buổi họp báo chuyên đề về sửa đổi 05 Luật thuế hiện hành do Bộ Tài chính tổ chức, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế dựa trên những mục đích, quan điểm, nguyên tắc cơ bản sau:
(i) Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Quốc hội và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra là cơ cấu lại NSNN theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó việc sửa đổi các Luật thuế phải đảm bảo tăng trưởng nguồn thu NSNN trong trung và dài hạn;
(ii) Cải cách thuế để đáp ứng, tương thích và phù hợp với các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật hỗ trợ DNNVV, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản… để góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, qua đó góp phần mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế;
(iii) Việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật;
(iv) Đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, phù hợp với các cam kết quốc tế, các cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu NSNN, chống gian lận thương mại, chuyển giá…
Khắc phục những vướng mắc của Luật thuế hiện hành
Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, các Luật thuế phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải được khắc phục kịp thời. Cụ thể:
Về thuế GTGT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc về đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; chuyển quyền sử dụng đất) gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Một số hàng hóa dịch vụ đã được xã hội hóa mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% chưa bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%.
Việc quy định áp dụng thuế suất 5% đối với những loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích dẫn đến không thống nhất trong thực hiện. Theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế GTGT.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp và đóng tàu đánh bắt xa bờ, Bộ Tài chính đề nghị chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm: máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%; đối với loại máy móc, thiết bị không chỉ sử dụng trong nông nghiệp mà còn dùng cho nhiều ngành sản xuất khác sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10%.
Theo phương án này, doanh nghiệp sản xuất phân bón, đóng tàu và những máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Do số thuế GTGT đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, sắt, thép, nguyên vật liệu khác, điện, nước sản xuất... đầu vào chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10% nên những doanh nghiệp này cơ bản được hoàn thuế GTGT.
Đối với hoàn thuế GTGT: Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số quy định về hoàn thuế GTGT nhằm đạt được các mục tiêu sau: i) Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước sản xuất những mặt hàng chịu thuế GTGT với mức thuế suất bằng 50% mức thuế suất thông thường, bảo đảm những mặt hàng này cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; ii) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; iii) Hạn chế gian lận để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Theo đó, chính sách sửa đổi tập trung vào các nội dung chính sau:
+ Về hoàn thuế đối với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết lũy kế 12 tháng hoặc 04 quý liên tục. Để phù hợp với bản chất của thuế GTGT và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT. Việc hoàn thuế này không áp dụng đối với cơ sở kinh doanh khâu thương mại; trường hợp vừa sản xuất, vừa kinh doanh khâu thương mại, cơ sở kinh doanh thực hiện hạch toán riêng để được hoàn thuế cho hàng hóa chịu thuế GTGT 5% cho cơ sở sản xuất.
+ Về hoàn thuế đối với sản phẩm xuất khẩu chế biến từ tài nguyên, khoáng sản. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT.
Thuế TTĐB là một loại thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật thuế TTĐB. Thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Để hạn chế tỷ lệ thừa cân, béo phì và phù hợp với thông lệ quốc tế, kiến nghị bổ sung nước ngọt, đồ uống có đường... (ngoại trừ nước trái cây 100% tự nhiên) vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Ngoài ra, Luật thuế TTĐB hiện hành chưa quy định rõ thế nào là xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện và mức thuế suất thuế TTĐB đối với loại xe này chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư lắp ráp tại Việt Nam. Do đó, nội dung sửa đổi của chính sách về vấn đề này đã quy định rõ để tránh cách hiểu khác nhau.
Một số quy định tại Luật thuế tài nguyên hiện hành chưa thống nhất với quy định của Luật khoáng sản và thiếu phù hợp với thực tế. Do vậy, mục tiêu của dự án sửa đổi luật lần này chủ yếu trên các khía cạnh: thứ nhất, về người nộp thuế, đề nghị bỏ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 về người nộp thuế trong trường hợp khai thác nhỏ lẻ bởi thực tế cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ lẻ hầu hết là khai thác trái phép; thứ hai, thống nhất các tên gọi của các loại nước thiên nhiên, không quy định loại nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp; thứ ba, quy định rõ giá tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện và giá tính thuế tài nguyên đối với các tài nguyên khai thác xuất khẩu. Những nội dung sửa đổi, bổ sung đưa ra nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật khoáng sản và đảm bảo phù hợp với thực tế tình hình thực hiện.
Luật thuế TNDN hiện hành vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới như: chưa có quy định khống chế chi phí được trừ đối với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (vốn mỏng), từ đó chưa đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu để kinh doanh với doanh nghiệp sử dụng vốn vay (chi phí lãi vay được tính vào chi phí), đồng thời không đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp, nợ xấu gia tăng; chưa có rà soát và xác định các lĩnh vực, địa bàn cần tiếp tục ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển.
Đối với thuế TNCN, một số quy định tại Luật thuế TNCN hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn cho công tác quản lý thuế. Chưa có chính sách thuế phù hợp nhằm thu hút cá nhân là nhân lực công nghệ cao; chính sách thuế đối với cá nhân có thu nhập từ trúng thưởng...
Trong đó, liên quan đến thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, hiện các quy định pháp luật cả về thuế TNDN và thuế TNCN đều đang bộc lộ những “lỗ hổng” dẫn đến thất thu cho NSNN. Theo Khoản 2 Điều 23 Luật thuế TNCN quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn nộp thuế theo mức thuế suất 20%, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức thuế suất 0,1%; Điều 28 Luật thuế TNCN quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú nộp thuế với thuế suất 0,1% trên số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn. Hiện chuyển nhượng vốn được hiểu là hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, tổ chức kinh tế...
Còn chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán, chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trên thực tế, việc thực hiện đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan. Đại đa số các trường hợp đều khai chênh lệch bằng 0 dẫn đến thất thu thuế, không công bằng với chuyển nhượng vốn dưới hình thức chuyển nhượng chứng khoán.
Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2015, khoản 1 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP như sau: Thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài quy định tại các Điểm c, d Khoản 2 Điều 2 Luật thuế TNDN là thu nhập nhận được có nguồn gốc từ Việt Nam từ hoạt động cung ứng dịch vụ, cung cấp và phân phối hàng hóa, cho vay vốn, tiền bản quyền cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam hoặc từ chuyển nhượng vốn, dự án đầu tư, quyền góp vốn, quyền tham gia các dự án đầu tư, quyền thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh và giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về thu nhập chịu thuế quy định tại Khoản này.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 2 của Luật thuế TNDN thực hiện tính thuế theo phương pháp do Chính phủ quy định (tính theo tỷ lệ % trên doanh thu). Tuy nhiên, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP chưa quy định tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn nên hiện tại Thông tư của Bộ Tài chính đang hướng dẫn thu thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài theo thuế suất 20% trên thu nhập.
Hiện trên thế giới có hai cách đánh thuế hoạt động chuyển nhượng vốn: thứ nhất là cách đánh thuế trên giá trị giao dịch (transation tax), cách đánh thứ hai là trên thu nhập ròng (capital gain tax). Nếu xét về bản chất, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ nên bị tính thuế khi có lãi. Do vậy, xu hướng trên thế giới hiện hướng vào cách đánh thuế thứ hai, nghĩa là đánh trên thu nhập ròng.
Tuy nhiên, một số nước chưa quản lý tốt được dòng tiền thì họ vẫn đang áp dụng cách đánh thuế thứ nhất để đơn giản cho việc kiểm soát giá trị chuyển nhượng và chi phí liên quan... Nghĩa là cứ có giao dịch là bị đánh thuế, và khi đó nhiều khi doanh nghiệp hay nhà đầu tư kinh doanh lỗ vẫn bị đánh thuế, điều này do vậy không đúng với bản chất dòng tiền có thu nhập.
Thực tế đa số các tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, trong khi đó Việt Nam lại chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng nên hiện mới chỉ thu được thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn.
Do đó, để khắc phục những bất cập trong việc kiểm soát thu thuế, tránh thất thu NSNN, ông Thi cho biết, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định áp dụng tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là 1%.