Cải cách hành chính: Bản đồng ca đã vào nhịp
(Tài chính) Dưới chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Liên tục các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường… công bố cắt giảm thủ tục hành chính.
Đơn cử như lĩnh vực thuế, cắt giảm tới 50% thời gian; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 1/3 đến một nửa thời gian. Thủ tục trong lĩnh vực xây dựng cũng được hứa hẹn giảm 30-50%, tức là giảm từ 2-3 năm làm thủ tục cho doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã đề xuất cải cách tới 90% thủ tục hành chính. Có thể nói, “bản đồng ca” về cải cách đã đồng điệu, dưới sự bắt nhịp của Thủ tướng Chính phủ - “người nhạc trưởng” tài ba.
Giống như một luồng gió mới thổi vào tiếp thêm sinh khí, công cuộc cải cách liên tiếp thu được những thành công. Các bộ, ngành, địa phương đi đầu trong cải cách cũng thấy vững tâm hơn và hào hứng hơn, khi bên cạnh mình, phía sau mình, “đồng đội” đang tiếp bước. Nếu hình dung đây là một “cuộc đua”, thì ai cũng muốn mình nằm trong Top đầu, nếu chẳng may chậm bước, lẹt đẹt ở phía sau, chẳng lấy gì làm vinh dự.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế
Người ta đang dự đoán về một sự “soán ngôi”, hay là sự bứt phá của bộ, ngành nào đó, địa phương nào đó, sẽ xuất hiện trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 (PAR INDEX 2014) mà Bộ Nội vụ sẽ công bố vào năm tới.
Cải cách thủ tục hành chính đã trở thành một phong trào rộng khắp, nhiệm vụ hàng đầu của các bộ ngành, địa phương, để từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho địa phương mình và cho cả đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Không chỉ là việc giảm thiểu các giấy tờ, văn bản, giảm thời gian xử lý hành chính, mà điều quan trọng nhất là thay đổi nếp nghĩ, cách tư duy, tác phong, thói quen khó bỏ… của những “công bộc của dân” đã nhiều năm tạo thành “sức ì cơ bản” tại các cơ quan công quyền.
Về điều này, một chuyên gia kinh tế đã nhận định: “Câu chuyện cắt giảm thủ tục hành chính quan trọng hơn là ở tư duy. Nhà quản lý phải thay đổi, không chỉ là “quản”, mà còn phải đồng hành, coi người dân và doanh nghiệp là đối tác”. Chính vì địa vị của doanh nghiệp, của người dân đã được thay đổi, được nâng lên; họ cũng chính là người có những quyền lợi thiết thân, nên người dân và doanh nghiệp nhiệt tình cổ vũ cho cải cách.
Công cuộc cải cách hành chính đã thành một phong trào sâu rộng. Nhưng để đạt đến thành công thực sự, không thể chỉ làm cho có, làm “theo phong trào”. Ai làm tốt, ai đứng ngoài cuộc, chậm tiến, cản trở tiến trình cải cách, phải quy trách nhiệm cụ thể, tránh kiểu thành công là chung của cơ quan, và khuyết điểm là trách nhiệm tập thể… Những kết quả có được từ cải cách phải đảm bảo tính bền vững, làm nền tảng cho những cải cách liên tục tiếp theo.