Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trong hai ngày 24-25/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Cải cách kinh tế cho tăng trưởng bao trùm và bền vững” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức.

Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: internet

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Helen Clark và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Pratibha Mehta cùng nhiều chuyên gia, học giả quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, sau gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế từ khi tiến hành Đổi mới đến năm 2011 đạt bình quân khoảng 7%, năm 2013 đạt 5,4% và dự kiến năm 2014 sẽ tăng trưởng từ 5,8%-6%. Tính đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 5 trong 8 Mục tiêu  phát triển thiên niên kỷ (MDG) trước thời hạn, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, giáo dục phổ thông và y tế. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% trong đầu thập niên 1990 xuống còn 7,8% năm 2013, số người dùng Internet tại Việt Nam gần 31 triệu, chiếm khoảng 34% dân số, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 8 ở châu Á.

Kinh tế đối ngoại luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo nhiều việc làm. Việt Nam đang đàm phán đồng thời 6 FTA với tất cả đối tác then chốt, trong đó nổi bật có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực Ðông Á (RCEP).

Sự phát triển vượt bậc này của Việt Nam gắn liền với đổi mới tư duy phát triển và nỗ lực cải cách với hai nội dung cốt lõi:

Thứ nhất, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Điển hình là đột phá trong quản lý nông nghiệp đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới.

Thứ hai, chuyển từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở và chủ động hội nhập quốc tế.

Nói về chặng đường phát triển vừa qua không thể không nhắc đến việc Việt Nam bước vào nhóm nước thu nhập trung bình. Song việc đó cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức lớn, đặc biệt là thách thức tụt hậu và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Nhận thức được điều này, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới với 3 đột phá chiến lược: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; (ii) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhằm phấn đấu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại đến năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số định hướng lớn rong chiến lược phát triển đến năm 2020 của Việt Nam. Đó là việc cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và thân thiện với môi trường cũng được Việt Nam đặc biệt chú trọng. Về giáo dục, Việt Nam quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đảm bảo phát huy năng lực sáng tạo  và tiềm năng của mỗi cá nhân, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuối cùng là tăng trưởng xanh – một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Thông qua Hội thảo này, Chính phủ Việt Nam mong muốn các chuyên gia, học giả quốc tế chia sẻ với Việt Nam những nhận thức mới, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP khẳng định, những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được trong gần 30 năm qua là rất ấn tượng. Hiện nay, Việt Nam đang bắt đầu xây dựng và thực hiện các bước tiếp theo của các biện pháp cải cách cơ cấu và thể chế nhằm bảo đảm tiếp tục những tiến bộ về phát triển và tăng cường năng lực để hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế toàn cầu.

Bà Helen Clark cũng đưa ra một số lĩnh vực để Việt Nam cân nhắc trong quá trình cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững tại Việt Nam, bao gồm: Thực hiện các biện pháp để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn để giúp Việt Nam có thể xác lập được lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới và tạo ra được nhiều việc làm tốt; mở ra nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và phù hợp có vai trò then chốt; phải có hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại; đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn.