Cải cách tiền lương phải cân đối trong khả năng nguồn lực tài chính

PV.

Sáng ngày 22/11, tại trụ sở Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công dẫn đầu Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính về các giải pháp tạo nguồn thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương.

Cải cách tiền lương phải cân đối trong khả năng nguồn lực tài chính - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Vũ Thị Mai, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành của Chính phủ và Ủy ban của Quốc hội.

Mức chi lương, phụ cấp, trợ cấp chiếm 31% tổng chi ngân sách

Tại buổi làm việc, báo cáo về thực trạng chính sách tiền lương thời gian qua và các giải pháp tạo nguồn thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, 14 năm qua, lương cơ sở đã tăng 11 lần, bổ sung phụ cấp thu hút cán bộ công tác ở vùng khó khăn, bổ sung phụ cấp thâm niên đối với một số ngành đặc thù, mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp từ ngân sách... đã làm tăng quỹ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp chi lương. Hiện nay, mức chi này chiếm 50% mức chi ngân sách thường xuyên, tương đương trên 31% tổng chi ngân sách.

Riêng giai đoạn 2010-2016, mức lương cơ sở điều chỉnh tăng 1,78 lần nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp chi từ ngân sách tăng 2,185 lần. Trong đó, tiền lương khu vực sự nghiệp công chiếm tỉ lệ lớn nhất từ 42-43%, khu vực hành chính từ Trung ương xuống huyện chiếm 7-8%, cán bộ, công chức không chuyên trách cấp xã chiếm 15%, người hưu trí được ngân sách bảo đảm khoảng 10% và còn lại 7% là cấp ưu đãi người có công.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, quy mô biên chế đối tượng hưởng lương từ ngân sách ở nước ta trong những năm qua tăng nhanh, đặc biệt là đối tượng hưởng lương từ ngân sách thuộc địa phương quản lý. Trong khi đó, nguồn bảo đảm trong những năm qua chủ yếu là ở ngân sách Trung ương. Bởi vậy, việc bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương trong bối cảnh hiện nay trở nên hết sức khó khăn và phải thực hiện tiết kiệm để có nguồn tăng lương. Do đó, cải cách tiền lương phải cân đối trong khả năng nguồn lực của nền kinh tế và nguồn lực tài chính.

Cải cách tiền lương phải cân đối trong khả năng nguồn lực tài chính - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị một số giải pháp tạo nguồn cho cải cách tiền lương những năm tiếp theo đó là, trích tỉ lệ tạo nguồn từ tăng thu ngân sách, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, sớm hoàn thành xác định vị trí việc làm, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII.

Cải cách tiền lương gắn với cơ cấu lại cơ chế trả lương theo ngạch bậc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn là điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương, tinh giản biên chế, trong đó quan trọng là xác định nguồn để thực hiện cải cách.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nhằm hạn chế những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách tiền lương hiện nay, cần rà soát các quy định, thiết chế về chính sách tiền lương, để từ đó khắc phục những bất cập, hạn chế về chế độ tiền lương hiện hành; Thiết kế lại các khoản thu nhập ngoài lương, các khoản phụ cấp; Sắp xếp lại, cơ cấu lại cơ chế trả lương theo ngạch bậc; Thực hiện cắt giảm các khoản phụ cấp; Giảm số lượng lao động hiện đang được trả lương bằng nguồn ngân sách…

Cải cách tiền lương phải cân đối trong khả năng nguồn lực tài chính - Ảnh 3
Toàn cảnh buổi làm việc.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xác định rõ cơ cấu chi thường xuyên để đề xuất cắt giảm những khoản không phù hợp với thực tiễn tạo thêm nguồn cải cách tiền lương. Để làm được, Phó Thủ tướng cho rằng cần bám sát việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đầu mối cơ quan, đơn vị để kéo giảm các chi.

Đồng thời, thực hiện cải cách chính sách tiền lương phải gắn với nền tảng các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về chính sách tiền lương. Hiện nay, ở nước ta, việc trả lương cho một số vị trí việc làm chưa hợp lý, bởi vậy cần định vị lại hệ số cấp bậc lương, thực hiện được giải pháp này sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm của người lao động, nâng cao năng lực tài chính của địa phương, đơn vị.