Kho bạc Nhà nước:

Cải cách toàn diện để gia tăng sự hài lòng của khách hàng

Đức Huy

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) thời gian qua đã có những cải thiện rất tích cực. Để tiếp tục phục vụ tốt mọi cá nhân, tổ chức, gia tăng hơn nữa mức độ hài lòng của khách hàng, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Kho bạc Nhà nước luôn chú trọng đến sự hài lòng của khách hàng và coi đây là thước đo hiệu quả công việc.
Kho bạc Nhà nước luôn chú trọng đến sự hài lòng của khách hàng và coi đây là thước đo hiệu quả công việc.

Sự hài lòng của khách hàng là thước đo phục vụ

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính trong hệ thống KBNN được đẩy mạnh nhằm gia tăng hơn nữa mức độ hài lòng của khách hàng. Theo đó, trong năm 2023, KBNN đã thực hiện 02 đợt khảo sát, đánh giá về mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN trên trang Dịch vụ công trực tuyến của KBNN. Tại đợt 1/2023, kết quả mức độ hài lòng đạt 95%, tăng 0,5% so với năm 2022 (94,5%). Tại đợt 2/2023, kết quả mức độ hài lòng đạt 95,85%, tăng 1,35% so với năm 2022 (94,5%).

So sánh với các kỳ khảo sát trước đây trong năm 2021, 2022 và kết quả khảo sát đợt qua 2 đợt năm 2023 của KBNN cho thấy cải cách hành chính của KBNN có những cải thiện rất tích cực. Mức độ hài lòng ở các chỉ số đánh giá hệ thống và KBNN tại các điểm giao dịch đã tăng lên. Số lượng KBNN cấp huyện đạt tỷ lệ hài lòng trên 90% đều có xu hướng tăng.

Đồng thời, số lượng các đơn vị và công chức KBNN được chỉ đích danh với ý kiến “Không hài lòng” đã giảm đáng kể. Ngoài ra, các ý kiến phản hồi liên quan đến chất lượng dịch vụ công trực tuyến cũng như sự minh bạch trong công khai các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN cũng giảm, phản ánh sự cải thiện rõ rệt trong các lĩnh vực này.

Cụ thể, chỉ số hài lòng về sự phục vụ của KBNN đạt được tại lần 2 là 95,85%, chỉ số về minh bạch thủ tục hành chính đạt 95,97% và chỉ số về chất lượng dịch vụ công trực tuyến đạt 95,24%. Qua đó cho thấy, mức độ hài lòng của đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với các chỉ số chung của hệ thống KBNN và tại các KBNN cấp tỉnh, cấp huyện là khá cao. Điển hình như KBNN Hưng Yên xếp thứ nhất về mức độ hài lòng với kết quả là 98,48%; đứng thứ hai về mức độ hài lòng là KBNN Thái Nguyên với kết quả đạt 98,19%.

Có được những kết quả trên là nhờ KBNN đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính theo kế hoạch. Cụ thể, KBNN tiếp tục nghiên cứu rà soát cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục hành chính theo hướng cải cách, lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công của KBNN; cung cấp 100% thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

 

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong hệ thống KBNN, gia tăng hơn nữa sự hài lòng của khách hàng, thời gian tới, KBNN sẽ chủ động hoàn thiện các, quy trình nghiệp vụ và các chương trình ứng dụng CNTT theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng.

Đồng thời, KBNN đã tiếp tục triển khai Nghị định số 107/2021/ NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Cùng với đó là thực hiện chuẩn hóa danh mục kết quả, thành phần hồ sơ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đúng quy định; tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính của KBNN.

Đặc biệt, để mang đến nhiều thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch, thời gian qua, KBNN đã tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của KBNN theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động KBNN giai đoạn 2021- 2025; tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. KBNN cũng tiếp nhận, giải quyết kịp thời 100% yêu cầu hỗ trợ cho các đơn vị, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tác nghiệp nhanh chóng trên các hệ thống ứng dụng CNTT...

Tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng phục vụ của hệ thống KBNN

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong hệ thống KBNN, gia tăng hơn nữa sự hài lòng của khách hàng, thời gian tới, KBNN sẽ chủ động hoàn thiện các, quy trình nghiệp vụ và các chương trình ứng dụng CNTT theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng. Đồng thời, KBNN sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục thu, chi ngân sách thuộc lĩnh vực KBNN; nâng cấp và mở rộng một số chức năng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN; ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ của hệ thống.

Với định hướng này, năm 2024, hệ thống KBNN đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021- 2025 của hệ thống KBNN đồng bộ trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

KBNN cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch thủ tục hành chính giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với đơn vị sử dụng NSNN; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào quy trình nội bộ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Cùng với đó, tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa CNTT trong hệ thống KBNN. Cụ thể, KBNN sẽ trình Bộ Tài chính phê duyệt Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS và các hệ thống CNTT liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); triển khai bài toán liên thông chi đầu tư xây dựng cơ bản; triển khai dịch vụ thanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng thương mại của đơn vị giao dịch tham gia dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chương trình lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN cũng sẽ nâng cấp và mở rộng một số chức năng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN; triển khai Hệ thống họp trực tuyến đến KBNN cấp huyện; thuê Trung tâm dữ liệu KBNN và thực hiện các dự án về an toàn bảo mật, quản trị hệ thống, đảm bảo kỹ thuật CNTT của KBNN.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2024