Cải cách toàn diện thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng Hải quan số
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, giúp ngành Hải quan thay đổi phương thức quản lý hướng tới xây dựng hải quan số, hải quan thông minh.
Bước tiến mới trong cải cách hành chính
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg ngày 2/3/2021, Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021, Thông tư số 121/2021/TT-BTC với nhiều giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản trong lĩnh vực hải quan và các thông tư hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý các vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã tăng cường nghiên cứu triển khai công tác hiện đại hóa và trang cấp trang thiết bị hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát hải quan.
Tổng cục Hải quan cũng đã đẩy mạnh công tác đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại (triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến).
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến ngày 31/5/2022, đã có 249 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với trên 4,9 triệu bộ hồ sơ của hơn 54 nghìn doanh nghiệp.
Đối với Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước trong khu vực ASEAN, gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin. Hiện, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN.
Cùng với triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát hải quan trên Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt, phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, kho, bãi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan.
Tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng, toàn diện
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, thời gian tới, Hải quan Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về hải quan; tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ.
Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh triển khai kết nối trao đổi chứng từ điện tử thông qua Cơ chế một cửa ASEAN; rà soát triển khai các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia; cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu, các bộ, ngành thực hiện hậu kiểm.
Cùng với đó, ngành Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp để phấn đấu cải cách thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, tạo thuận lợi thương mại nói chung cho doanh nghiệp để cắt giảm chi phí và thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, để hướng tới xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Hải quan Việt Nam nỗ lực xây dựng lực lượng chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số...
Thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg, Hải quan Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành Hải quan số; tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, môi trường làm việc điện tử trong ngành Hải quan; hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý Nhà nước về Hải quan; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Đồng thời, phấn đấu 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia…