Cải cách tư pháp nhìn từ phiên tòa xét xử vụ án tại PVN và PVC
Vậy là sau nửa tháng, phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã kết thúc với phần tuyên án nghiêm khắc dành cho các bị cáo.
Nguyên tắc suy đoán vô tội là người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, theo các luật sư, trước đây, nguyên tắc này vẫn chưa thực sự được tôn trọng.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và Cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội) - luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho rằng, tại vụ án này, với quy định mô hình phòng xét xử mới khi đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa và các luật sư tham gia bào chữa ngồi ngang hàng nhau cùng với việc bỏ vành móng ngựa thì có thể khẳng định nguyên tắc suy đoán vô tội đã được bảo đảm. Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo thay vì vành móng ngựa như trước đây, cho thấy những thay đổi rõ nét và đúng đắn khi hiện thực hóa mô hình các vị trí trong phòng xử án.
Không ít luật sư thừa nhận, một phiên tòa không có vành móng ngựa sẽ tốt hơn với người bị xét xử. Bởi về cảm quan, nhiều người thường nghĩ đứng trước vành móng ngựa thì nghiễm nhiên là có tội nhưng nay theo mô hình phòng xử mới thay bằng bục khai báo sẽ tạo ra tâm lý bị cáo đang được phán xét, chưa bị quy buộc là có tội. Đồng thời, quy định mới này đã tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam.
Sự đổi mới, thể hiện tại phiên tòa không chỉ ở phần hình thức. Nội dung, diễn biến phiên tòa cũng đã thể hiện rõ tính đổi mới, cải cách, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội và tôn trọng ý kiến của các luật sư. Ngay trong phần thủ tục, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội, người trực tiếp bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) đã đề nghị với Hội đồng xét xử cho phép cách ly bị cáo cũng như nhân chứng.
Bởi vụ án có nhiều lời khai khác nhau với tính chất phức tạp, các bị cáo lại có quyền lợi đối lập nhau. Mặt khác, do vụ án còn nhiều tài liệu, chứng cứ phát sinh chưa được nghiên cứu nên luật sư đề nghị được tạo điều kiện tiếp cận tài liệu trong khoảng thời gian Hội đồng xét xử không làm việc.
Ngay sau đó, hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được cảnh sát dẫn giải sang phòng cách ly khi Hội đồng xét hỏi các bị cáo khác trong vụ án.
Xét toàn diện “công” và “tội”
Theo Hội đồng xét xử, trong vụ án này, thiệt hại và thất thoát tài sản của Nhà nước do các bị cáo gây ra rất lớn. Với chức trách được giao là những người quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, các bị cáo ở các mức độ khác nhau đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý kinh tế. Bên cạnh những thất thoát về đầu tư, sai phạm của các bị cáo còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội.
Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực về kinh nghiệm cũng như tài chính đã để lại hệ lụy rất lớn khác đơn cử như hàng loạt cán bộ, chuyên gia trên các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, tài chính của PVN được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến, đã vi phạm pháp luật, lâm vào vòng lao lý. Do vậy, cần thiết phải có mức án tương xứng đối với mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo mới có tác dụng cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.
Căn cứ lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa, lời khai của nguyên đơn dân sự, lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, kết luận giám định tư pháp, vật chứng đã thu giữ cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, đặc biệt là quá trình tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xác định có đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165, Bộ luật Hình sự 1999) và tội “Tham ô tài sản” (Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999).
Khi lượng hình, Hội đồng xét xử đã đánh giá về vị trí, vai trò, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Trong đó, nhiều bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như có nhiều cống hiến trong quá trình công tác, đã được nhận các giải thưởng khoa học lớn, khai báo thành khẩn, có thái độ hợp tác, ăn năn hối hận.
Đơn cử như bị cáo Trịnh Xuân Thanh mặc dù đủ điều kiện để áp dụng mức án tử hình, song xét thấy, bị cáo đã tự nguyện khắc phục số tiền chiếm đoạt 4 tỷ đồng, gia đình đều là cán bộ có công với Nhà nước và cũng phần nào nhận sai phạm của mình nên Hội đồng xét xử đã quyết định không cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo.
Tuy nhiên, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, thành viên Hội đồng xét xử khẳng định, với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và quyết tâm “không có vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng nên Hội đồng xét xử cũng rất cân nhắc, xem xét giữa công và tội của các bị cáo.
Không chỉ dừng lại ở khuôn khổ hành vi của các bị cáo trong vụ án này, Hội đồng xét xử còn kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ những nội dung có liên quan, tránh để lọt người, lọt tội. Trong đó, kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng tiền tạm ứng thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào các mục đích khác của PVC để xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị điều tra làm rõ việc PVC để thất thoát hàng nghìn tỷ đồng từ việc được chỉ định thầu xây dựng một số dự án lớn khác như Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ.