Ông Đinh La Thăng Lĩnh án 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân
Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án ông Đinh La Thăng 13 năm tù vì tội cố ý làm trái; bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Sau 10 ngày xét xử liên tục (cả ngày cuối tuần), khoảng 8h sáng nay, 22/1, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội bắt đầu buổi tuyên án các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Chủ tọa đã đọc lại tội danh của các bị cáo bị truy tố cũng như mức án Viện kiểm sát đề nghị.
Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) PVN bị truy tố về tội “Cố ý làm trái”. Nguyên Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản”. Các bị cáo đã lợi dụng vị trí đặc thù của tập đoàn nhà nước để phạm tội.
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, tham ô tài sản xảy ra tại PVC và PVN là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Theo HĐXX, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận cáo buộc, cho rằng trách nhiệm là thuộc cấp dưới, chỉ thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên công việc... Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, biên bản họp và lời khai của bị cáo, có thể khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng.
Nhận định về tội danh của bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX cho rằng ông này đã khai và thừa nhận vì sức ép tiến độ nên đã có những sai phạm trong quá trình chỉ đạo. Căn cứ lời khai của các bị cáo khác, người liên quan, hồ sơ vụ án, bản án xác định có đủ căn cứ kết luận ông Thăng đã chỉ định thầu với PVC, chỉ đạo ký hợp đồng 33 trái quy định dù biết rõ không đủ hồ sơ, điều kiện ký. Sau đó, dù biết rõ hợp đồng 33 không đủ điều kiện để cấp tạm ứng nhưng ông Thăng vẫn chỉ đạo tạm ứng 10% cho PVC.
Các dự án PVC được chỉ định thầu khác cũng gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, gây mất lòng tin trong nhân dân. Vai trò chỉ đạo của ông Thăng "xuyên suốt vụ án" từ việc không tuân thủ quy định về quản lý kinh tế của nhà nước, chỉ đạo chỉ định thầu, ký hợp đồng, cấp tạm ứng. Hành vi của ông Thăng dẫn đến sai phạm của hàng loạt các bị cáo khác.
Như VKS, HĐXX nhận định hành vi của ông Thăng "thỏa mãn đầy đủ tội danh điều 165 chứ không phải tội khác như các luật sư bào chữa".
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, căn cứ vào các tài liệu đã thu thập được, căn cứ vào lời khai của các bị cáo, lời khai của nhân chứng, người liên quan và các bằng chứng khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận: Dù bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận hành vi, nhưng dựa vào lời khai của các bị cáo khác, lời khai của nhân chứng, các tài liệu chứng cứ khác, có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của Trịnh Xuân Thanh.
Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù vì tội cố ý làm trái; bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô, tổng hợp hình phạt là chung thân.