Cái giá của ngân hàng an toàn
Các nhà làm luật sẽ rất hài lòng nếu như các ngân hàng trên toàn thế giới giống với ngân hàng ở Australia, Canada và Thụy Điển. Nhưng, đây có phải là những mô hình hoàn hảo?
Nhàm chán nhưng an toàn. Đó là những gì người ta thường mô tả về hoạt động của 1 ngân hàng chỉ nhận tiền gửi và cho vay trong phạm vi địa phương trong khi tránh xa các hoạt động chứa đầy rủi ro nhưng hứa hẹn mang lại lợi suất cao – điều đang phá hủy các ngân hàng Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, 1 thế giới mới với các ngân hàng nhàm chán liệu có thể cung cấp cho khách hàng các dịch vụ mà họ mong muốn hoặc cho nhà đầu tư thứ lợi nhuận mà họ đang kiếm tìm?
Dường như, các ngân hàng ở Australia, Canada và Thụy Điển cho rằng câu trả lời là có. Không muốn mở rộng hoạt động ở nước ngoài, các ngân hàng Australia chỉ miệt mài giao dịch ở thị trường nội địa “kín như bưng” gần như miễn dịch với các cú sốc bên ngoài. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng này thường ở mức trung bình hoặc cao (chỉ số ROE của Commonwealth Bank of Australia là cao nhất – khoảng 18%).
Tuy nhiên, giá của các ngân hàng này không hề rẻ: cổ phiếu của CBA hiện được giao dịch với mức giá cao gấp 2,4 lần so với giá trị sổ sách. Trong khi đó, tỷ lệ ở National Australia Bank là 1,6 lần. Hiện nay, bong bóng nhà đất vỡ tung là mối rủi ro có thực đang đe dọa các ngân hàng Australia.
Phần lớn các ngân hàng Canada không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, đi kèm với tỷ lệ ROE ở mức cao, Canadian Imperial Bank of Commerce và Royal Bank of Canada hiện đang giao dịch ở mức 2,2 lần giá trị sổ sách. Trong khi đó, nợ tư nhân cùng với giá nhà đất đang ở mức khá cao là những rủi ro đối với các ngân hàng này.
Thụy Điển luôn tự hào vì được đánh giá là một trong những nước có các qui định khắt khe nhất đối với hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng không áp doanh thu, không treo phần thưởng cho nhân viên. Tuy nhiên, tỷ lệ ROE ở mức 14% cũng đi kèm với con số 1,5 lần giá trị sổ sách. Cũng không phải các ngân hàng Thụy Điển luôn luôn an toàn: họ đã đứng bên bờ sụp đổ trong những năm 1990, khi bong bóng bất động sản nổ ra.
Không ngân hàng nào ở cả 3 nước trên hoàn toàn miễn nhiễm với rủi ro. Tuy nhiên, 3 ví dụ này chắc chắn sẽ khiến người ta phải suy nghĩ lại về mức độ an toàn của các ngân hàng.