Cái “giá” của ngành nông nghiệp

theo toquoc.gov.vn

(Tài chính) Giá tăng giảm thất thường, rất khó dự báo và đây luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người sản xuất và cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cái “giá” của ngành nông nghiệp
Giá trị của ngành nông nghiệp Việt Nam cần được nhìn nhận từ giá trị xuất khẩu. Nguồn: internet

Luôn bị động

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu trong tháng 10 vừa qua tăng đáng kể. Cụ thể, giá gạo Việt Nam tăng khoảng 30 USD/tấn (gần 10%) so với một tháng trước đó. Các doanh nghiệp cho biết, sở dĩ giá tăng là do lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tăng mạnh.

Theo VFA, từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã nhập khoảng 3 triệu tấn gạo từ Việt Nam (tăng 500.000 tấn so với năm 2012); trong đó, nhập khẩu chính ngạch khoảng hơn 1,76 triệu tấn, tiểu ngạch khoảng hơn 1,2 triệu tấn. Như vậy, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 50% sản lượng xuất khẩu.

Các chuyên gia cảnh báo, việc giá tăng do xuất khẩu tiểu ngạch tăng cần phải thận trọng và không nên chủ quan bởi kèm theo đó là hàng loạt các rủi ro như phải qua nhiều khâu trung gian, hình thức thanh toán phức tạp, không có cơ sở bảo đảm.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo phía Nam tỏ ra phân vân, dè dặt xuất hàng sang Trung Quốc bởi xuất tiểu ngạch thì không an tâm mà chính ngạch thì giá rất thấp, thấp hơn giá thành thu mua.

Giá đang là bài toán oái oăm đối với ngành gạo bởi trong tháng 10 tăng 10% nhưng bước sang tháng 11, giá gạo bắt đầu chựng lại. Ngay cuối tuần trước, gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ ở mức 390 – 400 USD/tấn, thấp hơn 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan; gạo 25% tấm ở mức 360 – 370 USD/tấn, thấp hơn 30 USD/tấn so với Thái Lan.

Theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam từ đầu năm đến nay khoảng 430 USD/tấn (FOB), giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước những diễn biến thất thường về giá và khó khăn của thị trường, VFA đã phải giảm dự báo xuất khẩu gạo năm 2013 từ 7,2 triệu tấn xuống còn 6,7 triệu tấn, giảm tới 1 triệu tấn so với sản lượng xuất khẩu cả năm 2012.

Bên cạnh lúa gạo, ngành cà phê Việt Nam cũng đang điêu đứng vì giá. Giá cà phê nguyên liệu đang xuống thấp nhất trong vòng hơn 3 năm qua. Giá cà phê nhân xô hiện tại chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg, giảm tới hơn 14.000 đồng/kg so với đầu năm 2013. Ngày 12/11, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới chỉ ở mức 1.468 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 6/2010 đến nay.

Trong khi đó, hiện ngành cà phê Việt Nam đang bước vào mùa thu hoạch rộ và sẽ đạt sản lượng cao điểm vào cuối tháng 11 tới. Theo dự báo, tới lúc đó, sản lượng cà phê dồi dào có thể đẩy giá cà phê xuống tiếp.

Thực tế cho thấy, tại thời điểm này gần như không có hợp đồng xuất khẩu nào được ký mới do tâm lý của nhà nhập khẩu vẫn chờ đợi giá cà phê giảm thêm.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) lo ngại: “Với cái đà giảm giá này cả người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đều hết sức chịu đựng, cố bám nhưng không biết sẽ buông lúc nào”.

Ngành thủy sản cũng đang gặp khó khăn do sản lượng và giá của nhiều mặt hàng sụt giảm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá tra trong quý III/2013 đạt 424 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng của cá tra bị sụt giảm từ 28,6% xuống còn 26,5%.

Cũng theo Vasep, nguyên nhân sụt giảm là do nhu cầu sụt giảm tại các thị trường nhập khẩu chính, nhất là EU, khiến cho người nuôi và doanh nghiệp chật vật, nhiều hộ nuôi bỏ ao, giá cá và nguồn nguyên liệu cá cho chế biến bấp bênh. Do đó, năm nay xuất khẩu khó duy trì được mức ổn định như năm ngoái.

Phần lớn các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đều đang gặp khó khăn về giá, ngành cao su cũng không ngoại lệ. Theo Bộ NN&PTNT, 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cao su đạt 832.000 tấn với giá trị đạt trên 1,96 tỷ USD, tăng 2% về khối lượng nhưng giảm tới hơn 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu mủ cao su, giá cao su sụt giảm trong thời gian qua là khá bất thường, ngoài khả năng dự báo. Do đó, phần nào đã làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, buộc không ít doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu.

Cần bắt đúng bệnh

Theo quy luật thị trường, giá giảm thường xuất phát từ nguyên nhân cung vượt cầu. Tuy nhiên, đối với nhiều ngành hàng nông nghiệp Việt Nam, nông dân và cả doanh nghiệp nhiều lúc chới với do giá sụt giảm nhưng nguyên nhân thì “chẳng biết đâu mà lần”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; trong đó người nông dân luôn “đơn độc” trong khâu nuôi trồng của mình.

Gần đây, nhiều chuyên gia khuyên nông dân chỉ nên sản xuất theo nhu cầu thị trường. Nhưng nông dân bao đời nay chỉ biết sản xuất ra để bán cho thương lái; họ chỉ nghe và làm theo thương lái. Thực tế cho thấy, nếu nông dân nghe từ các nguồn thông tin khác mà cân đối sản xuất thì thường không hoặc khó bán được với mức giá thỏa đáng.

Trong khi đó, nguồn tin đáng tin cậy dành cho người sản xuất hầu như không có, hoặc bưng bít hoặc cố tình làm sai lệch; còn những thông tin nghiên cứu thị trường nếu được công bố chủ yếu chỉ giúp cho doanh nghiệp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng chứ nông dân chẳng được hưởng lợi là bao.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, để khắc phục nhược điểm sản xuất manh mún, nhỏ lẻ phải bắt đầu từ việc sửa Luật đất đai. Điều này sẽ giúp người sản xuất có thể tập trung một diện tích đất nông nghiệp đủ lớn để chỉ sản xuất một ngành hàng.

Ngoài ra, các chính sách của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích của nhà nông. “Khi mọi chính sách đều hướng vào lợi ích của người nông dân tất yếu kích thích doanh nghiệp đầu tư cho nhà nông, cho ngành nông nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.

Đối với công tác dự báo, thông tin thị trường, các chuyên gia cho rằng cần phải có sự giám sát của một cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo thông tin khách quan, tránh tung tin đầu cơ, thất thiệt; đồng thời giúp người sản xuất tiếp cận với chuỗi giá trị cung ứng ngành hàng, lợi ích của doanh nghiệp cũng đồng thời là lợi ích của nhà nông.