Cải thiện chỉ số tiếp cận vốn

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Chỉ số tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp vẫn thấp không chỉ do thủ tục hành chính cồng kềnh mà còn bởi sự thiếu thông tin, thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó khăn về thời gian hoàn vốn

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, kết quả cải cách thủ tục hành chính đã góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong 4 kỳ báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới đã được cải thiện đáng kể và ổn định trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất. Trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190, đạt 75 điểm trong thang điểm 100, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Kết quả này cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Mặc dù vậy, theo nhiều ý kiến, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vẫn còn thấp.

Đại diện cho khối doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần (CP) xây dựng xây lắp viễn thông (COMAS) Nguyễn Du bày tỏ, khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay chứ không chỉ COMAS chính là thời gian hoàn trả vốn vay đối với những khoản vay ngắn hạn mà doanh nghiệp không thể thu hồi trong vòng 12 tháng.

Nhiều doanh nghiệp phải lấy chỗ nọ đập chỗ kia để đáo nợ ngân hàng. Vì thế doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại xem xét tạo điều kiện được gia hạn thời gian hoàn vốn. 

Ngoài ra, cần giảm thiểu hồ sơ cứng khi cung cấp cho ngân hàng, giảm thiểu thời gian phê duyệt phương án tổng thể cho doanh nghiệp vì nhiều khi thời gian kéo dài để chờ đợi tiếp cận tín dụng có thể ảnh hưởng và làm lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, ông Du kiến nghị. 

Phản ánh thực trạng khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận tín dụng từ phía các ngân hàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, đa phần doanh nghiệp còn rất khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguyên do cũng vì doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động thấp, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế, ông Quốc Anh nhìn nhận. 

Về phía ngân hàng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Kim Oanh cho biết, các ngân hàng thương mại trong nước hiện phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Do vậy, những khách hàng tốt, có phương án kinh doanh hiệu quả và khả thi sẽ luôn được các ngân hàng cạnh tranh tiếp cận. 

Những doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng, thường chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn. Do đó, để cải thiện việc tiếp cận tín dụng, doanh nghiệp cần trung thực và giữ chữ “tín”, đảm bảo tính hợp nhất giữa báo cáo tài chính vay vốn và báo cáo thuế, đủ năng lực quản trị và phải chắc chắn có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, bà Oanh khuyến nghị. 

Tăng tính chủ động

Tại Hội thảo Cải cách thủ tục hành chính cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng vừa qua, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hoạt động cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các chương trình cho vay đối với người dân, doanh nghiệp còn một số khó khăn. Cụ thể như thị trường đầu ra thiếu ổn định, chính sách đất đai, thuế tại một số địa phương chưa được quan tâm kịp thời khiến hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay chính sách đất đai, thuế đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh, các tổ chức tín dụng cần phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó, có những sản phẩm đặc thù cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa như sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn.

Cùng với đó, cần đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục… Có như vậy, chắc chắn quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được cải thiện và chỉ số tiếp cận tín dụng sẽ được nâng lên. 

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng các doanh nghiệp cần đẩy nhanh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành. Cùng với đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề cho lao động, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và triển khai hiệu quả công tác marketing.

Đặc biệt, cần chuẩn hóa và minh bạch thông tin về hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính để tạo niềm tin từ các ngân hàng tài trợ vốn. “Nếu tạo được minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, công khai báo cáo số liệu tài chính thì ngân hàng sẽ đánh giá được hiệu quả của dòng tín dụng cho vay. Từ đó tài sản thế chấp hay việc vay vốn chẳng có gì là ghê gớm cả”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.