Cải thiện niềm tin vào đồng nội tệ
Tỷ giá USD/VND giảm khoảng 1% trong quý III/2021, theo đó, VND là một trong những đồng tiền hiếm hoi duy trì sức mạnh trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá so USD. Tăng trưởng kinh tế có thể thấp, nhưng sự ổn định của tỷ giá sẽ giúp thị trường, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, người nắm giữ USD yên tâm, giảm mạnh kỳ vọng hưởng chênh lệch tỷ giá khi thay đổi.
Ngày 15/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VND) với USD ở mức 23.159 VND/USD, giảm 18 đồng so ngày 14/10. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 22.750 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.804 VND/USD (giảm 18 đồng), nhưng giá USD tại phần lớn các ngân hàng thương mại vẫn đứng yên.
Theo BIDV, thị trường ngoại hối vẫn trong diễn biến ổn định, nối tiếp đà của quý III/2021 yếu tố tác động lớn nhất vào đà giảm mạnh của tỷ giá trong nước bắt nguồn từ sự điều chỉnh chính sách mua ngoại tệ của NHNN với các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, NHNN đã chuyển từ mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng sang mua ngoại tệ giao ngay tại mức tỷ giá mới 22.750 VND, giảm khoảng 100 điểm so mức tỷ giá mua kỳ hạn sáu tháng quy đổi. Động thái này đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường và khiến tỷ giá liên ngân hàng điều chỉnh giảm sâu.
Bên cạnh đó, diễn biến cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước tích cực trên tổng thể. Mặc dù các dòng ngoại tệ cơ bản xấu đi rõ nét trong quý III/2021 do tác động của dịch COVID-19, cán cân thương mại thâm hụt khoảng 1 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt khoảng 4 tỷ USD, giảm 22% so cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cân đối cung cầu vẫn được bù đắp bởi các ngoại tệ lớn khác như kiều hối (ước đạt 4 tỷ USD, tăng 30% so cùng kỳ), vay nợ nước ngoài của FE Credit, SHB Finance... (ước tổng giá trị khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD). Qua đó, cung cầu ngoại tệ đạt giá trị thặng dư khoảng 1,2 - 1,4 tỷ USD trong quý III/2021.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến nền kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, lượng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh trong sáu tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 22,34% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,2 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Dorsati Madani đánh giá, Việt Nam duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng trong nửa đầu năm 2021, riêng giai đoạn tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, Việt Nam tích lũy được thêm 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Lượng kiều hối năm 2021 có thể sẽ không suy giảm so năm 2020. Năm 2020, Việt Nam nhận 17 tỷ USD kiều hối, tiếp tục nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thực tế, niềm tin vào giá trị của đồng nội tệ được cải thiện sau giai đoạn tăng giá mạnh của VND kể từ đầu năm, tình trạng găm giữ ngoại tệ đang trên đà giảm. Điều hành chính sách tiền tệ cũng như dự trữ ngoại hối nhằm bảo đảm tỷ giá ổn định là một trong những điều kiện quan trọng với ổn định vĩ mô và nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng sẽ ổn định trong quý IV/2021, bởi cung cầu ngoại tệ dự kiến vẫn thuận lợi. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được đẩy mạnh, một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội dần mở cửa kinh tế là yếu tố thuận lợi giúp cải thiện các dòng vốn cơ bản như xuất nhập khẩu, FDI. Dự báo, trong quý IV/2021, giải ngân FDI có thể đạt 5 - 6 tỷ USD, trong khi cán cân thương mại ở mức nhập siêu nhẹ, khoảng 0,8 tỷ USD. Ngoài ra, dòng tiền kiều hối nhiều khả năng duy trì thuận lợi trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang trên đà hồi phục tích cực.
Theo kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế, NHNN sẽ duy trì chính sách điều hành tỷ giá như trong thời gian qua, với mục tiêu giảm tỷ giá mua USD thêm. Theo đó, USD/VND được dự báo sẽ giảm từ 22.750 vào cuối quý III xuống 22.525 vào cuối năm 2021. Bước sang năm 2022, tỷ giá USD/VND có thể sẽ đảo chiều về mức 23.000 trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, FDI chảy vào chậm lại. Tuy nhiên, VND có thể đứng trước áp lực đối diện với USD mạnh hơn trên thị trường quốc tế và đồng nhân dân tệ suy yếu.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, tăng trưởng kinh tế có thể thấp, nhưng sự ổn định của tỷ giá sẽ giúp thị trường, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, người nắm giữ USD yên tâm, giảm mạnh kỳ vọng hưởng chênh lệch tỷ giá khi thay đổi. Giãn cách khiến công nhân có thể không đi làm được, kế hoạch sản xuất có thể bị ảnh hưởng, đó là khó khăn nhất thời, ngắn hạn, nhưng nếu tỷ giá bấp bênh sẽ khiến nhà đầu tư e ngại.
Điều hành chính sách tiền tệ cũng như dự trữ ngoại hối nhằm bảo đảm tỷ giá ổn định là một trong những điều kiện vô cùng quan trọng với ổn định vĩ mô và nền kinh tế. Do đó, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và với dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD là một trong những nền tảng tạo cho thị trường ngoại hối ổn định.
Về điều hành của NHNN trong thời gian tới, tỷ giá sẽ chịu ảnh hưởng nhiều do Việt Nam là nền kinh tế mở. Nhưng với việc điều hành tỷ giá trên cơ sở tỷ giá trung tâm cho phép NHNN chủ động theo tín hiệu của thị trường, vừa bảo đảm trạng thái ngoại tệ của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại, cân đối lượng ngoại tệ vào - ra hài hòa, vừa tăng được dự trữ ngoại hối của Nhà nước mà không làm ảnh hưởng đến VND. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá tiếp tục diễn biến ổn định mà không cố định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.