Cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu ngay trong năm 2024
Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết và cho rằng cần áp dụng ngay trong năm 2024.
Đảm bảo lợi ích quốc gia
Bàn về vấn đề này tại phiên thảo luận tổ ngày 10/11, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đồng tình cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu là hết sức cần thiết, để đảm bảo các lợi ích quốc gia.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, vừa rồi trong chuyến làm việc tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều tập đoàn lớn đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam, nên nếu không sớm ban hành các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì không đón được “đại bàng”.
Đại biểu cũng lưu ý, các chính sách thuế phải được nghiên cứu để vừa đảm bảo lợi ích tăng thu thuế cho ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, tăng thu thuế nhưng vẫn có những ưu tiên cho các tập đoàn, doanh nghiệp phát triển theo đúng các mục tiêu mà Đảng, Chính phủ tập trung thực hiện.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đồng tình với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ rằng thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, và cũng không phải là cam kết quốc tế, nên không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.
Đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Như vậy, dù mình có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI như thế nào đi nữa (dưới 15%), thì các quốc gia khác cũng sẽ thu của doanh nghiệp đó phần thuế chênh lệch. Vì vậy, tôi đồng tình việc Việt Nam cần áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam”, Đại biểu Tạ Thị Yên nêu.
Cần áp dụng ngay trong năm 2024
Đại biểu Tạ Thị Yên cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ về thời hạn áp dụng từ năm tài chính 2024, trùng với lộ trình chung của các nước, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Qua đó, giúp doanh nghiệp yên tâm, tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.
Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành sớm Nghị quyết này, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội khẳng định, việc ban hành quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là rất cần thiết. Đặc biệt, các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã áp dụng ngay từ năm 2024. Do đó, Đại biểu cho rằng, cần phải ban hành ngay việc điều chỉnh mức thu trong năm 2024.
Về nội dung của Nghị quyết, đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải thể hiện được trong Nghị quyết là khi thu bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ có chính sách ưu đãi khác để hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí đầu vào. "OECD mong muốn ưu đãi để giảm chi phí đầu vào chứ không phải bằng thuế, nên trong Nghị quyết này cần thể hiện tinh thần đó", Đại biểu nêu.
Cũng trao đổi về nội dung này, đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết, do Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu, như thế sẽ mất khoản thuế khoảng 14.600 tỷ đồng.
Về chính sách ưu đãi, đại biểu Vũ Tuấn Anh lưu ý, hiện OECD có chính sách chống chuyển lợi nhuận sang nước "thiên đường thuế" (nước có mức thuế suất thấp) nên việc lấy trực tiếp khoản thu thêm để hỗ trợ doanh nghiệp là không khả thi, sẽ vi phạm quy định của tổ chức này.
"Đây là vấn đề khó, cần nghiên cứu kỹ để không ảnh hưởng đầu tư, thu hút đầu tư của Việt Nam, vừa đảm bảo giữ chân nhà đầu tư cũ và khuyến khích nhà đầu tư mới rót vốn", Đại biểu Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.