Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Bổ sung quy định để thực hiện Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu

Thùy Linh

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trong đó, Bộ Tài chính đã bổ sung các quy định liên quan đến chính sách thuế TNDN để thực hiện Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu.

Không làm xói mòn cơ sở thuế

Bộ Tài chính cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng tất yếu, đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước, thu hút nguồn nhân lực, nguồn vốn, nguồn công nghệ cao, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Quá trình số hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế trong thời gian qua đã có nhiều bước phát triển nhanh, mạnh và đã tác động mạnh mẽ tới kinh tế và đời sống toàn cầu, đặt ra những thách thức lớn trong việc thu thuế TNDN đối với các công ty đa quốc gia.

Chính sách thuế TNDN ở nhiều quốc gia đang có những kẽ hở dễ bị các công ty đa quốc gia khai thác để giảm thiểu nghĩa vụ thuế, nhất là trong việc chuyển lợi nhuận từ những quốc gia vùng, lãnh thổ có mức thuế suất cao sang những quốc gia hay vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn, gây xói mòn cơ sở thuế và thất thoát nguồn thu ngân sách.

Để ứng phó với tình trạng này, bên cạnh việc tích cực ký kết các hiệp định thuế song phương giữa các nước, gần đây, nhiều sáng kiến thuế quốc tế đa phương đã được xây dựng và tổ chức thực thi trên thực tế nhằm chống lại các hành vi trốn, tránh thuế của các công ty đa quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và Giải pháp Hai trụ cột đã được 139 thành viên của Diễn đàn này thông qua vào tháng 10/2021. Hiện nay, nước ta đã trở thành thành viên của Diễn đàn này (Diễn đàn IF).

Nhiều quốc gia trên thế giới đã phê duyệt và đồng ý tham gia Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu như một biện pháp để đảm bảo quyền thu thuế và ngăn chặn tình trạng xói mòn cơ sở thuế. Việt Nam đã đồng ý tham gia Trụ cột 2. Theo đó, chính sách thuế TNDN cũng cần được rà soát để sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo quyền đánh thuế của nước ta khi tham gia Trụ cột này. Bên cạnh đó, là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài là rất lớn, việc các nước tham gia và thực hiện Trụ cột 2 sẽ có nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN mà nước ta đang áp dụng.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần phải rà soát để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để một mặt không làm xói mòn cơ sở thuế, mặt khác vẫn đạt được các mục tiêu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.

Bổ sung 2 quy tắc

Một trong những nhóm chính sách quan trọng tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật TNDN sửa đổi đó chính là việc bổ sung các quy định liên quan đến chính sách thuế TNDN để thực hiện Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quy định tại dự Luật để có giải pháp phù hợp để giữ lại quyền đánh thuế cho Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới triển khai áp dụng Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư mới, đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Để đạt được mục đích này, Bộ Tài chính sẽ bổ sung quy định để áp dụng Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) đảm bảo phù hợp với các quy tắc theo hướng dẫn của OECD để thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở Việt Nam.

Cụ thể, nghiên cứu bổ sung quy định công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên của Tập đoàn đa quốc gia có doanh thu nêu trong báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ tối cao có ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tính thuế tương đương 750 triệu EUR trở lên, có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, có lợi nhuận tại Việt Nam vượt ngưỡng trong năm tính thuế và có mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn thuế suất tối thiểu trong năm tính thuế.

Ngoài ra, cũng bổ sung nguyên tắc nộp bổ sung thuế đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc của Quy định Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) để giành quyền đánh thuế với tư cách là quốc gia của công ty mẹ thực hiện đầu tư ra nước ngoài.

Bộ Tài chính cho biết, với khung khổ chính sách thuế TNDN của Việt Nam như hiện hành và trong bối cảnh nhiều quốc gia, bao gồm cả những quốc gia đầu tư ra bên ngoài và những quốc gia nhận đầu tư từ bên ngoài, đã và đang có những động thái trong việc đưa ra các sách liên quan đến Trụ cột 2 thì tác động của Trụ cột 2 đối với Việt Nam là khá rõ ràng.

Trong đó, nổi lên hai vấn đề là Quyền đánh thuế của Việt Nam khi các quốc gia khác thực hiện Trụ cột 2; và Hiệu quả của các chính sách thu hút đầu tư qua chính sách ưu đãi về thuế TNDN mà Việt Nam đang áp dụng. Đây là hai vấn đề có quan hệ với nhau và Việt Nam cần nghiên cứu một cách tổng thể để có các ứng phó, điều chỉnh chính sách phù hợp, không chỉ riêng về chính sách thuế TNDN mà còn cả các chính sách về hỗ trợ đầu tư ngoài thuế theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cùng với đó, để đảm bảo một hệ thống chính sách thuế bình đẳng, thống nhất, tiếp tục thúc đẩy, thu hút đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và không tạo ra sự xáo trộn lớn ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư kinh doanh của cả cộng đồng doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp không thuộc phạm vi áp dụng của Trụ cột 2), bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các công ty đa quốc gia có đầu tư tại Việt Nam (trong trường hợp Việt Nam không thu thêm thuế thì quốc gia nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính sẽ hưởng nguồn thu này) cũng như các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, cần thiết nghiên cứu đề xuất giải pháp phù hợp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN tới đây cho phù hợp với cơ chế thực thi của Trụ cột 2, đồng thời hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.