Cán bộ tham mưu phải trang bị kiến thức từ thực tế
(Tài chính) Lần đầu tiên, Tổng cục Hải quan ban hành một kế hoạch cử cán bộ công chức (CBCC) cơ quan Tổng cục đi công tác thực tế tại cục hải quan tỉnh, thành phố (giai đoạn 2013-2018). Dự kiến từ tháng 9/2013 đợt cán bộ đầu tiên sẽ được điều động.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Hải quan Phạm Thị Thu Hương cho biết, kế hoạch này xuất phát từ thực tiễn hiện nay, khi Tổng cục Hải quan là cơ quan tham mưu về chính sách, nghiệp vụ hải quan nhưng trong thời gian qua, đội ngũ CBCC tại các vụ, cục, đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục chủ yếu là những cán bộ trẻ được hình thành từ nhiều nguồn như tuyển dụng mới, chuyển ngành…
Do đó, các CBCC này còn trẻ và hạn chế kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng các văn bản chính sách, quy trình thủ tục… Từ thực tế đó, lãnh đạo Tổng cục thấy rằng cần phải có kế hoạch đưa cán bộ ở cơ quan Tổng cục về địa phương một thời gian để thực hiện công việc như một CBCC ở các chi cục hải quan cửa khẩu, qua đó hiểu được tác động của việc ban hành một chính sách có ảnh hưởng trong thực tế như thế nào.
Theo như kế hoạch, sau khi đi thực tế tại địa phương các CBCC phải hiểu và nắm bắt được việc triển khai, thực thi các chính sách, quy trình nghiệp vụ hải quan. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tại địa phương, các CBCC sẽ hiểu rõ cách thức thực hiện và các tình huống phát sinh tại từng bước, từng khâu khi thực hiện quy trình thủ tục hải quan và hướng giải quyết các tình huống phát sinh đó. Những bất cập khi thực thi chính sách, quy trình thủ tục tại địa phương sẽ được các CBCC nhìn nhận từ thực tế.
Để tạo thuận lợi cho các CBCC được cử đi thực tế cũng như không làm thay đổi quá nhiều về cuộc sống của cán bộ, kế hoạch triển khai chủ yếu tập trung ở 5 địa bàn gần với Tổng cục như Cục Hải quan: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Đây là những địa bàn có lưu lượng hàng hóa tương đối lớn, hàng hóa đa dạng để CBCC có đủ kiến thức và kinh nghiệm khi tiếp cận.
Theo bà Hương, những CBCC được cử đi sẽ được trải nghiệm công việc thực thụ ở vài vị trí khác nhau ở cửa khẩu, tập trung ở các khâu nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến chuyên môn mà công chức đang đảm nhiệm ở Tổng cục để nắm sâu hơn nghiệp vụ. Ví dụ như công chức thuộc các cục nghiệp vụ như Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ được bố trí làm những việc về thủ tục hải quan, giám sát quản lý về hải quan; công chức Cục Thuế XNK sẽ được bố trí làm việc liên quan đến thuế XNK và thủ tục hải quan; công chức Cục Điều tra chống buôn lậu được bố trí tham gia các khâu trong dây chuyền nghiệp vụ, kiểm tra hàng hóa, tính thuế, giám sát quản lý…
Để đảm bảo các CBCC chuyên tâm nhiệm vụ cũng như địa phương yên tâm khi tiếp nhận công chức về thực tế, Tổng cục sẽ cắt biên chế ở đơn vị hiện đang công tác về địa phương trong thời gian đi thực tế. Bà Hương cho biết, nguyên tắc trên xuất phát từ thực tế thời gian cử CBCC đi không phải là dài (1 năm), trong khi đó địa phương tiếp nhận cũng có e ngại vì thời gian công chức đến làm việc không lâu và cũng chưa có kinh nghiệm.
“Khi xây dựng kế hoạch chúng tôi đã tính để việc này, cắt hẳn biên chế để coi như những công chức được cử đi là công chức của địa phương và địa phương được sử dụng công chức của Tổng cục cử xuống như là cán bộ của mình. Như vậy các CBCC sẽ xác định rõ được nhiệm vụ và công việc của mình, hải quan địa phương cũng yên tâm khi tiếp nhận” - bà Hương nói.
Bà Hương cũng lưu ý, để công tác đào tạo thực tế đạt hiệu quả, đơn vị cử đi phải có đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của từng CBCC. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ phải có bản kế hoạch của riêng mình thể hiện mục đích đi cần nắm những kiến thức gì, khi đó CBCC sẽ có sự tập trung trong công việc hơn.
Có thể nói, về mặt quy mô đây là lần đầu tiên Tổng cục Hải quan triển khai kế hoạch đào tạo thực tế cho cán bộ công chức trẻ. Quá trình đạo tạo sẽ giúp cho CBCC có kiến thức thực tiễn, phục vụ tốt hơn công việc chuyên môn.