Cần bỏ thuật ngữ “giá trị tham gia bảo hiểm” để tránh hiểu lầm
Đó là khuyến nghị của ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA khi thuật ngữ này thường xuyên được sử dụng trong các hợp đồng bảo hiểm, tài liệu giám định...
PV: Có ý kiến cho rằng, không nên tiếp tục sử dụng thuật ngữ “giá trị tham gia bảo hiểm” trong hợp đồng bảo hiểm hay các tài liệu giám định thay thế cho thuật ngữ “số tiền bảo hiểm”. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Trương Minh Cát Nguyên: Thuật ngữ “giá trị tham gia bảo hiểm” được dùng trong lĩnh vực tính toán bồi thường bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm (thuộc nhóm sản phẩm phi nhân thọ) tại báo cáo giám định và chưa được định nghĩa rõ ràng, nhưng đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Trong khi đó, “số tiền bảo hiểm” là một thuật ngữ đã được định nghĩa trong luật. Do đó, không nên sử dụng thuật ngữ chưa rõ ràng khi giao kết bảo hiểm, tránh gây nhầm lẫn cho các bên tham gia.
Ông có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?
Khi sử dụng thuật ngữ “giá trị tham gia bảo hiểm”, về mặt logic, khách hàng dễ tin rằng đây là “giá trị thực tế của tài sản khi tham gia bảo hiểm", cũng chính là “giá thị trường của tài sản” mà hai bên ghi nhận tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Bởi vậy, khách hàng sẽ cho là mình đã yêu cầu bảo hiểm với “số tiền bảo hiểm” đúng bằng với “giá trị thực tế của tài sản" và khi tổn thất xảy ra, nhà bảo hiểm sẽ bồi thường đủ 100% tổn thất đối với tài sản mua bảo hiểm. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Nếu “giá thị trường của tài sản” là “số tiền bảo hiểm”, thì mặc nhiên khi xem xét bồi thường sẽ không có sự so sánh giữa số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm tài sản vì thế trở nên phiến diện.
Còn nếu sử dụng thuật ngữ “số tiền bảo hiểm”, thì theo tư duy logic, bên mua bảo hiểm sẽ đặt ra nhiều câu hỏi: “Số tiền bảo hiểm” có liên quan gì đến giá trị tài sản thực tế của mình?
Việc mua cao hơn hay thấp hơn giá trị tài sản thực tế sẽ tác động ra sao?
Có cần biên bản định giá tài sản giữa hai bên?
Có cần nhờ bên thứ ba tiến hành định giá tài sản?...
Những câu hỏi đó sẽ làm nảy sinh hàng loạt vấn đề cần giải quyết và dĩ nhiên, để có thể chốt hợp đồng nhanh, nhân viên/đại lý bán bảo hiểm thường “né” vấn đề này.
Như ông dẫn giải ở trên thì “giá trị tham gia bảo hiểm” không phải là “số tiền bảo hiểm”, nhưng vì sao vẫn xuất hiện trong các báo cáo giám định?
Cần khẳng định lại rằng, “giá trị tham gia bảo hiểm” không phải là “số tiền bảo hiểm”. Theo Điều 41 - Luật Kinh doanh bảo hiểm, “số tiền bảo hiểm” là số tiền mà bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó.
Điều 6 - Thông tư 220/2010/TT-BTC hay tương tự là Điều 5 - Nghị định 23/2018/NĐ-CP cũng định nghĩa, “số tiền bảo hiểm” là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại thời điểm tham gia bảo hiểm.
Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm do các bên thỏa thuận.
Với thuật ngữ “giá trị tham gia bảo hiểm”, hiện chưa có bất kỳ định nghĩa nào cho thuật ngữ này xuất hiện trong các văn bản pháp luật liên quan đến bảo hiểm, mà chỉ xuất hiện trong các báo cáo giám định, hoặc khi tính toán giám định thiệt hại/tổn thất liên quan đến việc xác định mức độ tổn thất của nhóm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm.
Theo các Điều 41, 42 và 43 - Luật Kinh doanh bảo hiểm, hai bên giao kết hợp đồng bảo hiểm cần xác định "số tiền bảo hiểm" và “giá thị trường của tài sản” được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Mục đích của việc so sánh giữa “số tiền bảo hiểm” và “giá thị trường của tài sản” nhằm xác định tỷ lệ tham gia bảo hiểm.
Qua đó, việc giải quyết sự kiện bảo hiểm sẽ phải thực hiện thanh toán bồi thường đúng nguyên tắc “trung thực tuyệt đối” trong bảo hiểm, theo đúng quy định nêu tại Điều 46 của luật này, tương xứng với nghĩa vụ/quyền lợi đóng phí bảo hiểm của khách hàng.
Về mặt kinh tế học, giá trị là thuộc tính của hàng hóa (tài sản) sẽ biến động không ngừng.
Kể từ khi được sản xuất, sau đó đưa vào lưu thông trên thị trường, đến khi tham gia bảo hiểm, sẽ chịu tác động bởi nhiều yêu tố làm tăng/giảm số tiền mà các bên phải thanh toán tại thời điểm mua bán, trao đổi.
Như vậy, có thể hiểu “giá trị tham gia bảo hiểm” - thuộc tính của hàng hóa - cũng chính là “giá thị trường của tài sản”, mà tài sản này người mua bảo hiểm chọn làm đối tượng để yêu cầu bảo hiểm.
Điều này giải thích vì sao có sự nhầm lẫn và thuật ngữ “giá trị tham gia bảo hiểm” vẫn được sử dụng rộng rãi, cho dù chưa được quy định trong các văn bản pháp luật về bảo hiểm.
Việc làm rõ các khái niệm sẽ chứng minh được có sự “đánh tráo” thuật ngữ “giá trị tham gia bảo hiểm” với “số tiền bảo hiểm” trong các báo cáo giám định hay không.
Việc “đánh tráo thuật ngữ” này có thể làm bất cân xứng thông tin trong giao kết bảo hiểm, gây bất lợi cho khách hàng.
Bởi vậy, để tránh làm ảnh hưởng các bên tham gia bảo hiểm, tốt nhất là cần loại bỏ các khái niệm không rõ ràng như thuật ngữ “giá trị tham gia bảo hiểm” trong giao dịch bảo hiểm.
Xin cảm ơn ông!