Cần chiến lược dài hạn để nâng cao hiệu quả kinh doanh
Kinh tế mở cửa, doanh nghiệp (DN) Việt Nam được hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, cũng đồng nghĩa với việc cơ hội và thách thức đều xuất hiện song hành. Trong đó, nguy cơ bị “ông lớn” nước ngoài chi phối, thậm chí thôn tính là không hề nhỏ. Vậy đâu là nguyên căn và Nhà nước - với vai trò bà đỡ - cần làm gì để làm giảm nguy cơ đó?
Thiếu sự liên kết
Việc hội nhập sâu hơn, mạnh mẽ hơn sẽ giúp cho nền kinh tế thị trường phát triển nhanh chóng. Thống kê cho thấy, trong 5 năm tới, GDP Việt Nam có thể đạt tới qui mô 260 tỷ USD, với đà tăng trưởng trung bình 7%. Tuy nhiên, ở góc độ DN, so các nước là những thành viên của AEC, TPP hay các FTA còn lại... thì sức cạnh tranh của DN Việt Nam được đánh giá khá thấp. Các DN Việt Nam đang lộ rõ sự thiếu tự tin, năng lực yếu kém của mình. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến họ có thể trở thành nguy cơ bị chi phối bởi các tập đoàn nước ngoài.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đa phần còn yếu, nhất là đối với những ngành công nghệ kỹ thuật cao, cần vốn lớn hay các ngành dịch vụ cao cấp. “Trong hội nhập, thiếu hiểu biết về luật sẽ là một bất lợi lớn. Thua thiệt trong các tranh chấp pháp lý là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiếu ổn định do tính chất công nghiệp trong quy trình tạo ra sản phẩm còn thấp; đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp”, TS Lịch chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành cho biết, khi mở cửa thị trường nội địa, vấn đề khó khăn mà các DN Việt Nam phải đối diện đó chính là khả năng bị thâu tóm thị trường nội địa của các DN nước ngoài. Do yếu về vốn và kém về kinh nghiệm kinh doanh. Thực trạng một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu có thể lâm vào tình trạng khó khăn. Tham gia các hiệp định thương mại, chúng ta sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động...
Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là chuyển hóa những cam kết, quy định, cách chơi vào chiến lược kinh doanh thì doanh nghiệp Việt còn kém. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều đã có chiến lược và sự chuẩn bị gấp rút cho hội nhập. Nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều, thậm chí có những doanh nghiệp “nhỏ li ti”, khả năng tiếp cận và tận dụng cơ hội để làm ăn còn khá yếu. Trong đó, có một vài doanh nghiệp vẫn cố gắng bươn chải, học hỏi để vươn lên. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp có khả năng sống sót cao, chờ vấp ngã rồi học hỏi và phát triển từ vấp ngã. Nếu chuẩn bị tốt thì chi phí tuân thủ thấp hơn, còn ngược lại chi phí sẽ cao.
Phát huy lợi thế nguồn lao động giá rẻ
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế làm việc lâu năm ở nước ngoài, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tất cả những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, về cơ bản sẽ thay đổi bộ mặt nền kinh tế nước ta. Việc đưa nền kinh tế nước ta lên tầm cao mới phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của các DN Việt Nam. Vì thế các DN nước ta phải biết chấp nhận tham gia là cạnh tranh gay gắt; phải hiểu được chặng đường sắp tới là vô cùng gian nan, thậm chí phải chấp nhận thất bại.
Để chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để bước vào sân chơi thế giới, các DN Việt Nam cần đổi mới tư duy quản trị, có chiến lược dài hạn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật của các DN Việt Nam chưa chặt chẽ còn tồn tại hiện tượng lách luật, đi ngược lại xu thế cạnh tranh công bằng của thế giới, đây cũng là hành động rất dễ bị đào thải khỏi thị trường. Đặc biệt, để học hỏi được kinh nghiệm kinh doanh từ các tập đoàn kinh tế nước ngoài, thì các DN Việt nam cần đào tạo nguồn nhân lực chú trọng về ngôn ngữ và cách giao tiếp - TS Hiếu nêu vấn đề.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập, nên cổ phần hoá các DN nhà nước để có hiệu quả kinh doanh cao. Vì các DN tư nhân có trách nhiệm, khả năng chống đỡ, thích ứng nhanh hơn những khó khăn, thách thức. Đồng thời, nhà nước cần tạo ra thị trường thuận lợi cho các DN mạnh về vốn, dồi dào về thị trường như tập đoàn FPT, Vingroup... “Nhà nước cần phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai hơn nữa. Để từ đó các DN tạo được công ăn việc làm ổn định. Bên cạnh đó, Nhà nước cần điều chỉnh lãi suất cho vay của các NHTM phù hợp với chuẩn mực thế giới. Theo cách tính ở các ngân hàng trên thế giới, lãi suất cho vay bằng lạm phát cộng thêm 3%,” TS Hiếu trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân.
Năm 2015 lạm phát của Việt Nam là 0,63%, vậy lãi suất phải là 3,63% nhưng thực tế lại là con số 8%. Đơn cử như ở Thái Lan, lãi suất cho vay của các NHTM là 3,6%, thấp hơn so với Việt Nam 4,4%. Sự chênh lệch đó, khiến các DN nước ta phải trả chi phí đầu vào khá cao, khó có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. TS Hiếu cho rằng, Nhà nước cần tìm hiểu, đưa chính sách lãi suất mặt bằng mới để cho DN tiếp cận nguồn vốn dễ hơn, tăng cơ hội cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài.
Chúng ta đang ở trong thời đại, mà sự “thắng thua” trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ, mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo. Điều mà DN đang cần là môi trường khả dĩ nuôi dưỡng sự sáng tạo; một thể chế kinh tế ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất không qua thị trường. Vì vậy nhà nước cần phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường; bổ khuyết những khuyết tật của thị trường - TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế.