Cần chuẩn hóa thông tin về doanh nghiệp, doanh nhân

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp và doanh nhân là những yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế. Do vậy, cần phải chuẩn hóa thông tin về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

 Cần chuẩn hóa thông tin về doanh nghiệp, doanh nhân
Cần phải có sự chuẩn hoá khái niệm doanh nhân. Nguồn: internet

Trước hết là thông tin về số doanh nghiệp. Hiện có sự khác nhau khá lớn về số doanh nghiệp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê. Từ đó đã phát sinh những câu hỏi về thông tin rất quan trọng này.

Theo Tổng cục Thống kê (cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền công bố thông tin thống kê theo quy định trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia) số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tính đến 1/7/2012 (chưa có số liệu điều tra 1/1/2013) là 341.603. Trong đó doanh nghiệp Nhà nước là 3312, doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 328.830, doanh nghiệp FDI là 9461.

Có một số điểm đáng lưu ý về các con số này. Số doanh nghiệp theo báo cáo của Tổng cục Thống kê thấp chưa bằng một nửa số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh của cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này được giải thích là có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp tuy đã đăng ký, nhưng đang đầu tư, chưa sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động để đầu tư, đổi mới công nghệ; ngừng hoạt động để chờ giải thể, sáp nhập.

Tuy nhiên, dù có tính thêm số liệu này thì cũng còn thấp xa so với số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bởi có một số doanh nghiệp tuy đăng ký nhưng thực tế không hoạt động; có những công ty đăng ký thành lập rất nhiều công ty con, nhưng thực tế không hoạt động, chủ yếu là để hỗ trợ cho việc hoàn thuế, trốn thuế, buôn bán hoá đơn hoặc chuyển giá. Có thời kỳ tại một số địa phương, các công ty “ma” này chiếm tới trên dưới 10%.

Số doanh nghiệp đang hoạt động mà Tổng cục Thống kê công bố cũng thấp hơn số doanh nghiệp theo cơ sở dữ liệu đăng ký mã số thuế của Tổng cục Thuế. Con số vênh này được lý giải là do nhiều đơn vị ở các địa phương đều có mã số thuế, tuy đã thực sự ngừng hoạt động nhưng do còn “vướng mắc” về thuế nên vẫn chưa được giải thể về mặt pháp lý nên vẫn được tính là doanh nghiệp.

Đó là một số lý do dẫn tới độ vênh số liệu thông kê giữa các cơ quan. Tuy nhiên, thông tin thống kê về doanh nghiệp mà Tổng cục Thống kê công bố còn có một số điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, số liệu công bố thường rất chậm – đến nay là tháng 10/2013, nhưng số liệu mới nhất về doanh nghiệp mới tới 1/7/2012 (nhờ có Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp 5 năm 1 lần, nếu không thì mới có đến 31/12/2011).

Thứ hai, ngoài các thông tin về số lượng doanh nghiệp hiện có, cần đưa thêm thông tin về số doanh nghiệp tăng/giảm so với cùng thời điểm năm trước (tăng do mới đưa vào hoạt động, giảm do mới bị ngừng hoạt động với các nguyên nhân). Đây là một thông tin quan trọng bởi số doanh nghiệp ra/vào thị trường là bình thường, nhưng có thể là nhạy cảm, cần có thông tin kịp thời và thường xuyên để cảnh báo sớm.

Thứ ba, số chỉ tiêu về doanh nghiệp đã tăng lên gấp bội so với trước đây, nhưng vẫn còn thiếu một số chỉ tiêu về hiệu quả như lợi nhuận trên vốn, lợi nhuận trên doanh số, số doanh nghiệp lãi, số doanh nghiệp lỗ…

Thứ tư, bên cạnh một số chỉ tiêu có độ tin cậy khá, cũng còn một số chỉ tiêu mà nhiều người cho rằng ở mức quá thấp so với thực tế. Ví như tỷ suất lợi nhuận trước thuế so với nguồn vốn hoạt động năm 2011 chỉ là 2,33%. Trong đó tỷ suất của doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn thấp hơn nhiều so với của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước (tương ứng là 1,15% so với 4,43% và 5,3%). Do vậy, cần phân tích nguyên nhân có hoàn toàn do thấp thật, hay do hạch toán, hay do các động cơ nào khác.

Ngày Doanh nhân (ngày 13/10) đã được công nhận từ cách đây 9 năm, nhưng cho đến bây giờ các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa có khái niệm chuẩn về doanh nhân và số doanh nhân trong nước là bao nhiêu. Do vậy, thực tế đòi hỏi ngoài việc phải có sự chuẩn hoá khái niệm doanh nhân, cũng như phải lượng hoá cụ thể không chỉ tổng số mà có thể được phân theo ngành nghề, loại hình kinh tế, nhóm tuổi… để sự tôn vinh có ý nghĩa cụ thể hơn.