Cần chuyển đổi sang nền nông nghiệp carbon thấp
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành Nông nghiệp Việt Nam và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành này đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Nông nghiệp cũng là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi sang sản xuất lúa carbon thấp như một bước tiến tới chuyển đổi nông nghiệp carbon thấp bền vững.
Yêu cầu từ thực tế
Theo Báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” công bố ngày 24/9/2022 của Ngân hàng Thế giới, kể từ những năm 1990s, nông nghiệp Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức 2,5–3,5% mỗi năm. Hiện ngành Nông nghiệp đóng góp khoảng 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 38% việc làm.
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới 6%, giúp thoát khỏi tình trạng thiếu an ninh lương thực, duy trì xã hội ổn định và đưa nhiều mặt hàng nông sản bao gồm gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, trái cây, rau quả và thủy sản vào thị trường toàn cầu mang về cho đất nước hơn 48 tỷ USD mỗi năm doanh thu xuất khẩu vào năm 2021.
Tuy nhiên, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang ở điểm uốn. Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành Nông nghiệp và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành này đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và tác động của biến đổi khí hậu.
Các hệ sinh thái bị suy thoái đang dần trở nên kém năng suất và không thể cung cấp các dịch vụ quan trọng mà nông nghiệp phụ thuộc vào như trữ nước ngọt và nguồn đất khỏe mạnh. Tác động của biến đổi khí hậu dự báo sẽ dẫn tới tổn thất năng suất trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là các loại ngũ cốc như lúa do nắng nóng và hạn hán.
Tác động của biến đổi khí hậu có thể đã làm giảm năng suất lúa và dự báo cho thấy sản lượng có thể giảm hơn 6% vào năm 2030 và hơn 13% vào năm 2050, trong khi giá gạo tăng gây mất an ninh lương thực đặc biệt ở những người nghèo, những người dành phần lớn thu nhập cho lương thực.
Các khu vực hệ sinh thái nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất như Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn do tần suất hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Bất chấp những thách thức này, Việt Nam lên kế hoạch được xếp hạng trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới vào năm 2030. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự chú ý ngày càng cao của quốc tế đối với lượng khí thải carbon trong các mặt hàng xuất khẩu của mình.
Theo Báo cáo, có một điều rất dễ nhận thấy rằng nông nghiệp, với tất cả sự thành công của nó, là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia (vào năm 2020).
Khoảng một nửa (48%) lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mê-tan phát ra từ một loại hàng hóa duy nhất, đó là lúa gạo. Lúa gạo là cây trồng quan trọng nhất của Việt Nam, được canh tác trên 54% diện tích đất và cao hơn nhiều ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (vựa lúa chính của cả nước) và Đồng bằng Sông Hồng. Lúa gạo cung cấp an ninh lương thực cho hơn 90% dân số và đóng góp hơn 30% tổng sản lượng nông nghiệp. Việt Nam hiện sản xuất hơn 43 triệu tấn thóc (gạo chưa qua chế biến), trong đó xuất khẩu bình quân trên 6 triệu tấn gạo (khoảng 9% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu), thu về kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, việc giảm đáng kể sản lượng gạo là một thách thức, vì nó rất quan trọng đối với an ninh lương thực, sinh kế của nông dân và xuất khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi sang sản xuất lúa carbon thấp như một bước tiến tới chuyển đổi nông nghiệp carbon thấp bền vững.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp carbon thấp
Chuyển đổi sang sản xuất lúa carbon thấp đòi hỏi phải chuyển đổi khỏi các phương thức sản xuất gây phát thải khí nhà kính lớn. Có nhiều nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam bao gồm: Sử dụng nước kém hiệu quả trong công tác tưới tiêu, mật độ gieo sạ rất cao cùng với tỷ lệ bón phân cao và chưa hiệu quả, quản lý chưa đúng cách hậu thu hoạch như rơm rạ và trấu, và sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp. Lúa được trồng trong điều kiện ngập nước, do đó nước ngăn oxy xâm nhập vào đất tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh trong việc phân hủy chất hữu cơ, chủ yếu là bã rơm rạ, và giải phóng khí mê-tan (Nhóm An ninh Trái đất 2019). Cây lúa hấp thụ kém phân bón gốc ni-tơ, thường được nông dân sử dụng quá mức, dẫn đến phát thải khí ni-tơ oxit ra môi trường.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá, các giải pháp nông học và các giải pháp khác để đưa ra phương hướng khả thi về mặt kinh tế cũng như kỹ thuật nhằm thúc đẩy sản xuất lúa carbon thấp. Một số phương án đã được thử nghiệm ở Việt Nam và cần phải được nâng cấp đáng kể ở cấp nông trại. Việc mở rộng các lựa chọn không hối tiếc với lợi ích kinh tế tốt nhất có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm phát thải cao hơn một cách hiệu quả nhất.
Các phân tích ở cấp độ nông trại, cân bằng từng phần và trên toàn nền kinh tế cho thấy, 2 cách tiếp cận – thúc đẩy quản lý nước thông qua hình thức tưới khô ướt luân phiên (AWD) và áp dụng tối ưu các đầu vào thông qua kỹ thuật Một phải Năm giảm (1M5R)2—có thể duy trì hoặc tăng sản lượng và thu nhập của nông dân đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và các nơi khác cho thấy AWD là một lựa chọn khả thi để cải thiện việc sử dụng nước và giảm phát thải từ sản xuất lúa gạo.
Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số cùng với công nghệ nông học như AWD và 1M5R đã mang lại nhiều lợi ích hơn nữa. Các thí điểm được thực hiện tại Việt Nam sử dụng internet vạn vật (IoT) - có cảm biến nước để giúp nông dân quyết định tốt hơn về lượng nước tối ưu cần sử dụng - cho thấy, lượng nước sử dụng giảm tới 42% so với việc làm ngập ruộng lúa thủ công, cắt giảm chi phí sản xuất lên tới 22% và tăng năng suất lúa lên 24% (Choudhary và Fock 2020).
Tuy nhiên, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, việc chỉ áp dụng các công nghệ kỹ thuật không thôi sẽ không đủ để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Một lộ trình thực sẽ cần có các phương án giảm thiểu bổ sung cho tất cả các lĩnh vực trọng yếu gây phát thải nhiều.
Kết quả của mô hình cân bằng tổng thể (CGE) cho thấy, việc kết hợp thuế carbon và các chiến lược theo ngành sẽ giúp giảm phát thải KNK cao hơn. Nếu không đánh thuế carbon, mức giảm phát thải sẽ lần lượt đạt 9,1 và 21% so với đường cơ sở vào năm 2030 và 2040. Với thuế carbon, mức giảm phát thải sẽ lần lượt đạt 29 và 51% so với mức cơ sở vào năm 2030 và 2040. Sự kết hợp giữa các chính sách ngành và định giá carbon dường như là cần thiết để đưa nền kinh tế vào quỹ đạo hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Chi phí cho việc chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo carbon thấp là khá cao. Xem xét các mục tiêu đặt ra cho từng kịch bản được xác định trong NDC,3 chi phí đầu tư ước tính dao động từ khoảng 110USD/ha đối với kịch bản thấp, 515USD/ha đối với kịch bản tầm trung và tới khoảng 3,890USD/ha đối với kịch bản cao hay net-zero vào năm 2030. Việc áp dụng cùng một đơn vị chi phí cho mỗi tấn CO2e sẽ dẫn đến ước tính chi phí đầu tư dao động từ 226USD/ha cho kịch bản thấp, 1.085/ha cho kịch bản trung bình và hơn 8.200USD/ha cho kịch bản cao hay net-zero vào năm 2040. Những ước tính này giả định chi phí giảm nhẹ trung bình là 30USD/tấn CO2e (Escobar et al. 2019)
Các khoản đẩu tư cần thiết khác là để cải thiện hoạt động và bảo trì cơ sở hạ tầng thủy lợi; đảm bảo nông dân áp dụng các thực hành sản xuất bền vững; thiết lập một hệ thống thích hợp để đo lường, báo cáo và xác minh tín chỉ carbon; củng cố chuỗi giá trị nông sản; và liên kết nông dân với thị trường carbon nhằm tối đa hóa lợi ích.
Những phát hiện từ nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy thời gian chuyển đổi càng lâu thì chi phí sẽ càng cao. Để có thể mở rộng quy mô áp dụng các giải pháp sản xuất lúa carbon thấp này, nhu cầu cấp bách của Việt Nam là phải điều chỉnh cách tiếp cận hiện tại đối với việc phát triển ngành nông nghiệp.
Theo đó, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu bật 5 lĩnh vực chính sách trong ngắn và trung hạn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp carbon thấp, đặc biệt là lúa gạo gồm: Đảm bảo tính nhất quán của chính sách và điều chỉnh kế hoạch ngân sách nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi sang mô hình carbon thấp (LCT); Cải tổ mục đích các công cụ chính sách và chi tiêu công để hỗ trợ quá trình chuyển đổi; Thúc đẩy đầu tư công cho nông nghiệp/lúa gạo carbon thấp; Tăng cường thể chế; Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và các bên liên quan khác tham gia vào LCT.