Phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo Hân Nguyễn/dangcongsan.vn

Những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp của người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, ngành Nông nghiệp nói chung và Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) nói riêng đã xây dựng nhiều giải pháp và mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH nhằm bảo đảm sinh kế cho người dân.

Hình ảnh điểm cầu chính của Hội thảo tại Hà Nội. Ảnh: HNV
Hình ảnh điểm cầu chính của Hội thảo tại Hà Nội. Ảnh: HNV

Chiều 18/10, tại Hà Nội, Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu” đã thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế. Hội thảo do Liên minh hợp tác xã Việt Nam (LMHTXVN) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức với cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trong thực tế, chủ trương chủ động thích ứng với BĐKH đã được Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với BĐKH”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với BĐKH từng vùng, miền”; “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”.

Điểm mới xuyên suốt trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp là nhấn mạnh yếu tố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với BĐKH.

Vì vậy, để đối phó với BĐKH, ngành nông nghiệp nước ta cũng đã và đang tích cực áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp.

Những biện pháp đã được triển khai như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với nước biển dâng và BĐKH, bao gồm: xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm” sử dụng tiết kiệm chi phí đầu vào; thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi; cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hải sản; đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng; xây dựng các hệ thống chống ngập, nước biển dâng tại các thành phố lớn…

TS. Elizabeth Warham, Trưởng bộ phận Công nghệ Nông nghiệp FRSB, Bộ Thương Mại Quốc tế Vương Quốc Anh phát biểu trực tuyến tại Hội thảo. Ảnh: HNV
TS. Elizabeth Warham, Trưởng bộ phận Công nghệ Nông nghiệp FRSB, Bộ Thương Mại Quốc tế Vương Quốc Anh phát biểu trực tuyến tại Hội thảo. Ảnh: HNV

Phát biểu tại hội thảo, ngài Ian Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam khẳng định, Anh được xem là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đứng thứ 9 trong số các quốc gia cùng vùng lãnh thổ trên thế giới và thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Âu, châu Mỹ… Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 22 trong số các nước xuất khẩu vào Anh. Hai bên cũng đã ký kết UKVFTA có hiệu lực chính thức từ 01/5/2021. Theo đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm sẽ có mức thuế được xóa bỏ hoàn toàn hoặc xóa bỏ dần theo UKVFTA.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LMHTXVN thông tin, những năm qua, quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh ngày một phát triển. Các chuyến thăm cấp cao thường xuyên được tổ chức trong thời gian gần đây, giúp kết nối hoặt động hợp tác đầu tư, thương mại song phương.

Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi thách thức như: các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh khi xuất khẩu sang Anh bắt buộc chuyển từ CE sang nhãn hiệu UKCA trước 01/01/2023. Việc sản xuất vẫn tiêu tốn nhiều lao động, chưa tự động hóa thấp. Người sản xuất, thương nhân tiếp xúc hạn chế với các thông tin, cơ hội xuất nhập khẩu. Thiếu hụt nguồn vốn, năng lực sản xuất, kiến thức quản trị, bán hàng, xuất khẩu… “Hội thảo lần này là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu” – ông Bảo nói.

Tại Hội thảo, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã giới thiệu Khung chương trình hợp tác FAO- Việt Nam về phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh, đối với phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, cần tập trung hoàn thiện các chính sách về Ngân hàng dữ liệu nông nghiệp quốc gia và cơ chế chia sẻ dữ liệu minh bạch; xây dựng chiến lược số hóa trong nông nghiệp liên kết với chương trình nông thôn mới; hỗ trợ ưu đãi cho hộ dân quy mô nhỏ; thúc đẩy nền kinh tế đoàn kết và liên kết trong chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cho hộ nông dân sản xuất nhỏ về công nghệ mới…

Cũng tại Hội thảo, GS. Trần Đăng Xuân - Khoa Nông nghiệp Thông minh, Cao học về đổi mới và thực hành xã hội, Đại học Hiroshima, Nhật Bản đề xuất, cần thúc đẩy sản xuất ra tiêu chuẩn GAP Việt Nam,  tiêu chuẩn GAP toàn cầu và các tiêu chuẩn GAP khác được quốc tế thừa nhận; tăng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bền vững.

“Chính phủ Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ nông dân trong đó có bảo hiểm nông nghiệp; tăng cường chế biến và bảo quản đơn thực tế tiêu chuẩn quốc tế; mở rộng thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc” – GS. Trần Đăng Xuân nêu rõ từ điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản.

Cũng theo GS. Trần Đăng Xuân, kêu gọi đầu tư thêm vào nông nghiệp từ các nước phát triển trong đó có Nhật Bản và Anh; triển khai nông nghiệp kĩ thuật số càng sớm càng tốt để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. GS Xuân phân tích “Hầu hết người dân sử dụng internet bằng điện thoại nên rất ít người sử dụng để kiểm tra dự báo thời tiết và giá cả thị trường. Internet thường được sử dụng để giải trí và chơi trò chơi. Vì vậy, hiểu biết của người nông dân là hạn chế chính sách phát triển của nông nghiệp Việt Nam”.

GS cho rằng, cần tạo điều kiện thêm cho thực tập sinh công nghiệp đến Nhật Bản và các nước phát triển khác để nâng cao kiến thức của họ đến nông nghiệp xanh bền vững cũng như nông nghiệp thông minh. Tiến hành sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị tăng cao, bao gồm cả gạo dược liệu và cây trồng giảm phát thải CO2.

 Một số sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường được giới thiệu ngoài khuôn viên Hội thảo. Ảnh: HNV
 Một số sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường được giới thiệu ngoài khuôn viên Hội thảo. Ảnh: HNV

TS. Chu Tiến Đạt - Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, LMHTXVN cho biết, 1 trong 5 chương trình hành động quan trọng của LMHTXVN giai đoạn 2022-2025 là đẩy mạnh xây dựng, phát triển HTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với sản phẩm chủ lực trên cơ sở mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển HTX hiệu quả bền vững. Cũng theo TS. Chu Tiến Đạt “ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm chất lượng cao là xu thế tất yếu, không chỉ hướng đến xuất khẩu mà còn bảo vệ, phát triển thị trường trong nước.

Hội thảo có hai phiên thảo luận tập trung vào phân tích thực trạng, chính sách, kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu và phần kết nối các HTX giữa Việt Nam với Anh để mở rộng cơ hội giao lưu, phát triển thị trường của hai bên liên quan tới mô hình HTX nói riêng và hợp tác kinh tế thương mại nói chung.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện khoa học công nghệ và môi trường với công ty TNHH năng lượng tái tạo Qube (Anh) về phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu”.