Cần có bộ chỉ tiêu đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế

BD

Đó là kiến nghị của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 16/10.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sau khi nghe Chính phủ báo cáo thẩm tra về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thẩm tra 4 trong 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết liên quan đến cơ cấu lại NSNN và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường tài chính đã đạt kết quả khả quan.

Cụ thể, 41% các chỉ tiêu dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với bình quân các nước ASEAN 4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, vướng mắc khi triển khai, đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ như xử lý nợ xấu; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao vốn về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); cơ cấu lại NSNN; thực hiện quá trình đô thị hóa.

Một số nhiệm vụ được thực hiện nhưng chưa thực sự phù hợp với tinh thần, quan điểm cải cách tại Nghị quyết số 24/2016/QH 14 của Quốc hội, mà mới chỉ cải thiện hơn so với giai đoạn trước. Ngoài ra, một số nhiệm vụ đã được triển khai nhưng kết quả khó đo lường, chưa thấy rõ như phát triển nguồn nhân lực, phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập. Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế đề nghị xây dựng bộ chỉ tiêu để đánh giá cụ thể, toàn diện kết quả cơ cấu lại nền kinh tế.

Để đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2019-2020, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ tập trung xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24/2016/QH 14 và theo dõi, bám sát tình hình thực hiện; triển khai áp dụng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.