Cần cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt
Ngày 15/1, tại TP Hồ Chí Minh, Hội thảo “Hướng đến xã hội không dùng tiền mặt” đã được báo Tuổi trẻ tổ chức nhằm tìm giải pháp giảm sử dụng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo số liệu của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/9/2018, cả nước có 18.170 cây ATM, tăng 4% so với cuối năm 2016; máy chấp nhận thanh toán (POS) là 294.500, tăng 11,8% so với cuối năm 2016. Số lượng thẻ tăng trưởng mạnh đến nay đạt khoảng 101 triệu thẻ. Số lượng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng, đạt gần 75 triệu tài khoản cá nhân, tăng 9,1% so với cuối năm 2016.
Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản tại NH, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên. Dù vậy, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn gặp nhiều trở ngại.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cơ sở hạ tầng thanh toán tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa vươn tới được khu vực nông thôn.
Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cũng đưa ra một thí dụ, từ thực tế cho thấy tâm lý sử dụng tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo của người Việt khi mua sắm trực tuyến với 80% người được hỏi cho biết sử dụng hình thức thanh toán COD - trả tiền khi nhận hàng.
Với thực trạng đó, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng tăng cường nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, được thiết kế phù hợp với hành vi, nhu cầu người sử dụng, nhất là ở khu vực nông thôn, đồng thời sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới là điều rất cần thiết. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích thích hợp để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt bên cạnh việc thúc đẩy phát triển cở sở hạ tầng.
Theo Thomas William Tobin, Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng Vietcombank, năm 2019 sẽ là năm thay đổi rất lớn trong công nghệ thanh toán, nhất là loại thẻ không tiếp xúc, sau khi NHNN ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật QR Code. Ông Thomas William Tobin nhấn mạnh, với việc lớn mạnh của phương thức thanh toán mới, NH cần chú trọng giải thích để khách hàng hiểu đây là phương thức an toàn hơn phương thức đưa thẻ quẹt như hiện nay.
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cũng chia sẻ, theo tâm lý chung, dịch vụ thuận tiện trở thành thói quen vì khi trở thành thói quen sẽ khó bỏ. Chính vì vậy, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phải làm thế nào để thuận tiện, dễ sử dụng. Một vấn đề quan trọng nữa là người dân lo ngại là chi phí sử dụng.
Thực tế, biểu phí không lành mạnh cho các bên tham gia. Cùng với đó là vấn đề an toàn bảo mật trong thanh toán phải được đảm bảo. Đó là những yêu cầu cần thiết để phát triển một xã hội không dùng tiền mặt.