Doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Theo Minh Long/congthuong.vn

Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang được các doanh nghiệp trực tiếp tham gia dưới nhiều hình thức, giải pháp khác nhau, nhằm hướng đến mục tiêu của Chính phủ đề ra với tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.

Việt Nam đang ở mức tương đối so với các nước trong khu vực về tỉ lệ thanh toán không tiền mặt. Nguồn: Internet
Việt Nam đang ở mức tương đối so với các nước trong khu vực về tỉ lệ thanh toán không tiền mặt. Nguồn: Internet

Biến chuyển tích cực

Theo số liệu từ một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), ở một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan... hiện tỷ trọng dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở khoảng từ 11 - 17%. Đối với Việt Nam, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm từ 19,02% của năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và xấp xỉ 12% vào tháng 5/2018. Như vậy, Việt Nam đang ở mức tương đối so với các nước trong khu vực về tỉ lệ thanh toán không tiền mặt.

Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào- chia sẻ: Người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ và cả các tổ chức tài chính tại Việt Nam đang nắm bắt rất tốt các khái niệm phi tiền mặt. Hiện với ba ngân hàng đối tác của Visa phát hành thẻ không tiếp xúc, người dùng Việt Nam đã có thể dễ dàng áp dụng một phương thức thanh toán mới, an toàn, nhanh chóng và thuận tiện hơn tại các nhà hàng, siêu thị và các đơn vị bán lẻ như KFC, Saigon Coop, BigC và Nguyễn Kim...

Theo Khảo sát về Thái độ thanh toán người tiêu dùng do Visa thực hiện, hơn một nửa người Việt đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai. Trong đó, sản phẩm thời trang và làm đẹp là nhóm mặt hàng chính được thanh toán bằng phương thức không tiếp xúc.

Trên thực tế, những công ty fintech tham gia thị trường đã ghi nhận những kết quả tích cực. Theo thống kê của Payoo, đơn vị này đã tăng trưởng đáng kể khi liên kết với hơn 6.000 điểm trên toàn quốc là các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng điện máy…, kết nối trực tiếp với 30 ngân hàng, giúp khách hàng có thể thanh toán hơn 200 loại hóa đơn tiện ích khác nhau. Với lượng người dùng lớn và thường xuyên, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đã đạt khoảng 2 tỷ USD/năm.

Trong khi đó MoMo dù tham gia thị trường không lâu cũng đang có 8 triệu người dùng tính đến hết tháng 6/2018. Hiện MoMo đã đạt tới con số 200 triệu giao dịch/năm. Tổng giá trị thanh toán đạt 1,2 tỷ USD/năm. Tỷ lệ gắn kết người dùng (người dùng trung thành) cũng được ghi nhận tăng gấp đôi trong vòng 12 tháng qua.

Doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy thanh toán trực tuyến phát triển

Dù ghi nhận những kết quả tích cực song các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho rằng việc thúc đẩy thanh toán không tiếp xúc vẫn đang gặp nhiều trở ngại.

Ông Ngô Trung Lĩnh, TGĐ Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion - với ví điện tử Payoo)- cho rằng, thách thức lớn nhất là thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam là đang phát triển thiếu đồng bộ. Mỗi đơn vị đều “tự thân vận động” và phát triển theo định hướng, thời gian khác nhau. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần có sự phát triển đồng bộ từ Chính phủ; các ngân hàng, trung gian thanh toán; các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ và cuối cùng là thói quen của khách hàng.

Đại diện Zalo Pay thì cho rằng trở ngại lớn nhất vẫn đến từ thói quen và niềm tin của người tiêu dùng. Hiện có 90% người tiêu dùng vẫn có thói quen dùng tiền mặt và e ngại các vấn đề bảo mật, phí chuyển tiền từ ngân hàng qua ví điện tử… Từ đó dẫn tới những kết quả triển khai của các doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng.

Theo ông Ngô Trung Lĩnh, để tăng tỷ lệ người sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến Payoo đưa ra những chương trình, tính năng hấp dẫn để khuyến khích khách hàng sử dụng ví điện tử, thanh toán qua ứng dụng. Tại các cửa hàng, Payoo cung cấp các thiết bị chấp nhận nhiều phương thức thanh toán mới như NFC, QR Code, Contactless… Bên cạnh đó, Payoo cũng đẩy mạnh kết nối cổng thanh toán với các đối tác Thương mại điện tử, các đơn vị bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến.

“Trong năm 2018-2019, Payoo tiếp tục phát triển về số lượng dịch vụ, trung bình từ 4-5 dịch vụ mới mỗi tháng; kết nối với nhiều đối tác, nhà cung cấp dịch vụ. Thứ hai là mở rộng mạng lưới ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt ở vùng nông thôn. Payoo cũng chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới để mang lại dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi cho người dân trên mọi miền đất nước”, ông Lĩnh chia sẻ.

Phía MoMo cũng cho biết đang tập trung phát triển thành nền tảng thanh toán trên di động mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi. Phát triển khách hàng người dùng cuối (end-users) trên quy mô toàn quốc; Đồng thời phát triển mạng lưới Đối tác (merchants), online, offline, O2O (online to offline) trên quy mô toàn quốc. Về dịch vụ, MoMo đang có những hướng đi rất mới, đó là kết nối với các trang bán hàng điện tử. Hiện MoMo đã có thể thanh toán cho Tiki.vn, Robins.vn, Yes24.vn… và sắp tới là Lazada và Adayroi. Hướng đi mới thứ hai là Hệ thống thanh toán offline - nghĩa là dùng MoMo để ĐI: Đi chợ, đi ăn, đi uống, đi chơi… Và MoMo đang đầu tư rất nhiều trong 12 tháng qua để lấp đầy hạ tầng này.

Tương tự, Zalo Pay cũng đang có những bước đi vững chắc bằng việc tập trung nâng cao các tính năng trong ví điện tử của mình đồng thời duy trì việc không thu phí người dùng cũng như liên tục đưa ra các hình thức tương tác tốt hơn với người dùng.

Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ mặc dù tỉ lệ sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng thấp nhưng tỉ lệ thanh toán không tiền mặt lại rất cao do việc chuyển đổi diễn ra trong thời đại bùng nổ di động và internet, đúng kiểu “cá gặp nước”. Trung Quốc đã vượt qua nhiều cường quốc để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong các hoạt động sử dụng công nghệ tài chính (fintech).

 

Trong khi đó, hàng triệu người Ấn Độ chưa từng dùng thẻ tín dụng đã chuyển sang sử dụng thiết bị di động để thanh toán. So với các nước này, tỉ lệ thanh toán không tiền mặt của Việt Nam còn thấp, tuy nhiên chúng ta có nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển nhanh trong thời gian tới.

 

Ông Ngô Trung Lĩnh, TGĐ Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt