Cần có thêm gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn
Cả nước hiện có hơn 13,4 triệu người (chiếm 24% lao động) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trong khi Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 phải có 50% lao động tham gia. Tại tọa đàm “Phát triển đối tượng tham gia BHXH” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 22/8, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa ra nhiều gói bảo hiểm phù hợp với các thành phần lao động.
Tính hết tháng 6/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,17 triệu người, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016; số người tham gia BHXH tự nguyện là 241 nghìn người, tăng 25,8%.
Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đỗ Ngọc Thọ cho rằng, tỷ lệ này chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân do KT - XH nước ta vừa qua gặp nhiều khó khăn nên việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức còn chậm. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc làm ăn thua lỗ đã thực hiện cắt giảm lao động.
Việc tuân thủ pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động kém, trốn đóng bảo hiểm; cơ chế kiểm soát và cưỡng chế việc tuân thủ pháp luật BHXH còn bất cập trong khi người lao động vì mưu sinh trước mắt nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi của mình.
Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Quang Thọ cũng nhận định, số người tham gia BHXH tăng nhưng không đáng kể và chưa bền vững.
Ông cho rằng, nhiều người lao động, đặc biệt là lao động chân tay, không hiểu đúng về quyền lợi của BHXH. Vì vậy, khi thôi việc hoặc chuyển việc, muốn được thanh toán bảo hiểm một lần chứ không kiên trì theo đuổi hết số năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí.
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 600.000 - 700.000 người nhận BHXH một lần. Nếu trừ số người tăng từ việc tham gia BHXH và số người nhận BHXH một lần sẽ thấy số thực tăng không đáng kể.
Để người lao động tiếp cận với BHXH rộng hơn
Theo ông Vũ Quang Thọ, đối với công nhân hoặc lao động có thu nhập thấp, phần đóng góp bảo hiểm có thể cao so với thu nhập của họ. Tuy nhiên, BHXH là “cái sàng” an sinh xã hội để bảo đảm cho tất cả người dân đều có thể được hưởng quyền lợi sau khi đã mất sức lao động, nghỉ hưu, “nếu không tham gia thì rất đáng tiếc”.
Để người lao động tiếp cận với BHXH rộng hơn, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn đề xuất: Cần đưa ra nhiều gói bảo hiểm, trong đó chú trọng đến quyền lợi của nhóm lao động thời vụ hoặc ngắn hạn để thu hút đối tượng này tham gia.
Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ cho biết, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án về việc giao chỉ tiêu tham gia BHXH tới các địa phương, phối hợp với cơ quan thuế để xác định số lao động đang làm việc ở các đơn vị đóng thuế.
Đồng thời, sẽ tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động thấy được quyền lợi pháp lý trong việc tham gia BHXH, người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi hợp pháp khi tham gia BHXH.
Ngoài ra, một chính sách mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2018, đó là nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHXH cho hộ nghèo khu vực nông thôn. Hộ nghèo được hỗ trợ 30% và hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% mức đóng trên chuẩn hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn.