Cần đưa đường vào danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất
(Tài chính) Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức lấy ý kiến của các bộ ngành vào dự thảo văn bản trình Chính phủ với quan điểm không đưa mặt hàng đường vào danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX). Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải đưa mặt hàng đường vào danh mục tạm ngừng kinh doanh TNTX.
Tăng cường quản lý
Lý do mà Bộ Tài chính giữ quan điểm đưa mặt hàng đường vào danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất xuất phát từ thực tế quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng này, thực trạng vi phạm và ảnh hưởng hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường đối với việc xuất khẩu đường sản xuất trong nước.
Từ năm 2011 trở lại đây, hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường diễn ra với số lượng lớn trên địa bàn cả nước, kéo theo đó là các hành vi lợi dụng hình thức này để buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra nhiều, diễn biến phức tạp. Nhằm tăng cường quản lý đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, từ đầu năm 2012, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều chỉ đạo Hải quan địa phương thực hiện một số biện pháp tăng cường công tác quản lý hải quan đối với hàng hóa từ khi tạm nhập đến khi tái xuất, giám sát việc tái xuất khi hàng hóa được tái xuất tại cửa khẩu khác với cửa khẩu tạm nhập, theo dõi và đôn đốc thanh khoản.
Đặc biệt, giữa năm 2012, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch 98/KH-TCHQ nhằm kiểm soát riêng đối với hàng tạm nhập tái xuất. Kế hoạch này kéo dài hơn 1 năm, từ đó Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với cục Hải quan các tỉnh, thành phố phát hiện rất nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh này.
Riêng đối với mặt hàng đường, mới đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cục Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu thương nhân nộp thuế trước khi thông quan hàng hóa tạm nhập và hoàn thuế sau khi tái xuất; kiểm tra thực tế 100% đối với các lô đường kinh doanh tạm nhập tái xuất; tăng cường công tác kiểm tra mặt hàng đường tạm nhập tái xuất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu và vận chuyển trái phép mặt hàng này…
Vẫn nhiều vi phạm
Mặc dù nhiều biện pháp quản lý đã được ngành Hải quan tăng cường, nhưng số vụ vi phạm vẫn liên tiếp xảy ra. Theo thống kê của Hải quan các tỉnh, thành phố từ năm 2011 đến tháng 6/2013, có 100 doanh nghiệp tham gia kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, cũng trong khoảng thời gian này đã xảy ra 102 vụ vi phạm về loại hình này, với tổng số 13.805 tấn. Trong đó, phần lớn hành vi vi phạm là không thanh khoản hồ sơ tạm nhậptái xuất theo quy định; tự ý phá niêm phong; tự ý xếp dỡ hàng hóa đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; không tái xuất hàng hóa đúng thời hạn quy định. Những đối tượng có hành vi vi phạm thường lợi dụng các mặt hàng phổ thông, có giá trị thấp để ẩn giấu hành vi phạm.
Một số vụ vi phạm điển hình đã bị cơ quan Hải quan phát hiện trong thời gian qua như: Tháng 9/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện 1 doanh nghiệp có trụ sở ở Nghệ An tự ý phá niêm phong lô hàng 200 tấn đường tạm nhập (qua cửa khẩu Lao Bảo) đang trên đường vận chuyển để tái xuất qua cửa khẩu ở Cao Bằng. Tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, lô hàng đã quá hạn tái xuất.
Vào tháng 10/2012, Cục Hải quan Hà Tĩnh phát hiện 1 doanh nghiệp làm thủ tục tái xuất 500 tấn đường đã được tạm nhập ở Hải Phòng qua cửa khẩu Cầu Treo sang Lào. Theo doanh nghiệp khai báo, lô hàng được bán cho một công ty ở Trung Quốc và được công ty này chỉ định giao hàng tại Lào qua cửa khẩu Cầu Treo. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh tại Hải quan Trung Quốc thì công ty này đã ngừng hoạt động và không có giao dịch nào liên quan tới nghiệp vụ xuất nhập khẩu.
Cũng trong khoản thời gian này, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng xác minh, phát hiện 4 doanh nghiệp tạm nhập 6 tờ khai nhưng quá hạn chưa thanh khoản, tổng số lượng 2.119 tấn đường. Trong đó 1 công ty đã nộp thuế chuyển tiêu thụ nội địa 3 tờ khai, còn 3 tờ khai tạm nhập chưa thanh khoản còn lại, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục xử lý.
Trong khi những phức tạp trong công tác quản lý mặt hàng đường kinh doanh tạm nhập tái xuất vẫn tồn tại và chính sách quản lý như đối với các mặt hàng thông thường khác thì mặt hàng đường lại được nhà nước quản lý theo hạn ngạch thuế quan.
Do vậy, trước kiến nghị của Bộ Công Thương không đưa mặt hàng đường vào danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm báo cáo Thủ tưởng Chính phủ đưa mặt hàng đường vào danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý và thuận lợi cho ngành mía đường Việt Nam phát triển.