Cần giải pháp hiệu quả phát triển thị trường lao động trong bối cảnh dịch COVID-19
Thị trường lao động Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19. Đó là sự gia tăng mất cân đối cung - cầu lực lượng lao động cục bộ cũng như tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm. Từ đó đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp cấp bách, kịp thời, hiệu quả để phục hồi và phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.
Thách thức và cơ hội đan xen
Từ đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động trong nước khi số người có việc làm giảm sâu, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái.
Phát biểu tại buổi tọa đàm về giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 17/11, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, quý III/2021 ghi nhận 4,7 triệu lao động bị mất việc làm; 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.
Nguồn cung lao động cũng bị suy giảm. Cụ thể, lực lượng lao động có 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lao động có việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,7 triệu người.
Đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động cho sản xuất kinh doanh. Mỗi nơi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho nên việc đi lại giao lưu giữa các vùng cũng khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.
Sự chuyển dịch cơ cấu việc làm từ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp cũng bị đảo chiều. Số lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản đạt 14,5 triệu người, cao hơn 479 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960 nghìn người so với cùng kỳ. Trong khi đó, lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức với thị trường lao động Việt Nam, song cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phát triển. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh. Đồng thời là cơ hội phát triển các hình thức giao dịch việc làm, cơ hội đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội trên, ông Thanh cho rằng, cần phải triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, trước hết là kiểm soát được dịch bệnh, người lao động phải được an toàn, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động hiệu quả
Ngày 5/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 176 về Chương trình Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 (Chương trình 176), với mục tiêu tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động phù hợp với điều kiện của từng địa phương, và cụ thể hóa các mục tiêu cũng như giải pháp trong Chương trình 176 để phát triển thị trường lao động.
Theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 đã ảnh hưởng rất xấu đến thị trường lao động trong nước, gây khó khăn và thách thức lớn trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình. Cụ thể như, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động…
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để có những báo cáo, định hướng, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường lao động.
“Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động để kịp thời cung cấp thông tin định hướng cho các chủ thể tham gia thị trường lao động”, ông Huy cho hay.
Đồng thời, đại diện Cục Việc làm nhấn mạnh sự cần thiết phải thu thập, nắm bắt thông tin thị trường lao động, cũng như tình hình lao động, việc làm, cung - cầu lao động trong bối cảnh dịch bệnh.
“Bộ cũng đang đề xuất các tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm kết nối liên thông, thu thập, nắm chắc thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cũng như nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để kết nối liên thông giữa các vùng với nhau, qua đó tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động hiệu quả”, ông Huy chia sẻ.
Về cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút người lao động tích cực, chủ động tham gia đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, ông Huy cho biết, ngày 30/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Chương trình đề ra các chính sách, giải pháp sát thực tiễn để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút người lao động, thanh niên chủ động tham gia đào tạo để nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động sau đại dịch, như xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; phối hợp với doanh nghiệp để gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông Huy, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng và triển khai phương án đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp các trung tâm dịch vụ việc làm để tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo cũng như tổ chức thực hiện đào tạo mới, đào tạo nâng cao trình độ và đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.
Đáng chú ý, trong chính sách hỗ trợ đào tạo cần có hỗ trợ đào tạo đối với đối tượng là người lao động đang nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, hiện nay chưa quay trở lại làm việc. Đây chính là nhóm đối tượng mà các cơ sở giáo dục - đào tạo và các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần tư vấn, giới thiệu tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp để chuẩn bị cho việc làm trong tương lai.