Cần kịch bản cụ thể để không làm đứt gãy nền kinh tế
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 25/7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá cao những kết quả rất ấn tượng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như Nghị quyết Quốc hội đưa ra cần có một kịch bản cụ thể để không làm đứt gãy nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, các biến chủng mới Covid -19 liên tục xuất hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, chỉ đạo điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 5,64% (cao hơn mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2020 - tăng 1,82%).
Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,47%, thị trường tiền tệ, ngoại hối tỷ giá ổn định, thu ngân sách đạt 58,2% dự toán, kim ngạch xuất nhập khẩu có tốc độ tăng cao, thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vaccine, tiêm phòng miễn phí cho người dân, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được 3 tổ chức xếp hạng thế giới đồng loạt nâng điểm triển vọng lên "tích cực"; được nhân dân tin tưởng và quốc tế đánh giá cao. Đây là kết quả rất ấn tượng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2021 trong tình hình dịch bệnh 6 tháng cuối năm vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề xuất: Về tăng trưởng kinh tế, 6 tháng đầu năm, kinh tế đã tăng trưởng 5,64%, trong khi Nghị quyết Quốc hội đưa ra là 6%. Như vậy, muốn đạt chỉ tiêu đề ra thì từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế phải đạt 6,3%. Để đạt chỉ tiêu này cần có một kịch bản cụ thể để không làm đứt gãy nền kinh tế.
Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng trong 06 tháng đầu năm (trên 4%). Tính đến cuối tháng 6.2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78-2%. Vấn đề này, Quốc hội đã có Nghị quyết số 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu, đề nghị cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ phân tích làm rõ thêm vấn đề này và đánh giá nguyên nhân chính từ đâu để có giải pháp xử lý, vì trong tình hình dịch bệnh, dự báo khả năng nợ xấu sẽ tăng cao.
Tình hình cổ phần hoá, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ, mới đạt 30% kế hoạch. Bà Yến chỉ ra một trong những nguyên nhân chính đó là doanh nghiệp nhà nước của địa phương khi cổ phần hóa, thoái vốn, phải nộp nguồn vốn về Trung ương. Chính vì vậy, các địa phương chưa tích cực thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế để lại cho địa phương sau khi đã cổ phần hóa, thoái vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích, tạo động lực cho việc cổ phần hóa, thoái vốn đối với doanh nghiệp nhà nước địa phương.
Bên cạnh đó, cần kiên định thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống, kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước, tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa, tăng chi đầu tư phát triển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh giải pháp thu hút vốn FDI phù hợp tình hình thực tiễn. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Phát triển giáo dục, đào tạo đồng bộ và có giải pháp điều chỉnh kế hoạch phù hợp tình hình Covid-19.
Thống nhất cao với Tờ trình 262 của Chính phủ về trình Quốc hội cho áp dụng một số cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, để Chính phủ quyết định kịp thời công công tác phòng dịch cần bố trí nguồn vốn hợp lý, đảm bảo nguồn chi cho công tác phòng, chống, kiểm soát, dập dịch Covid-19; mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế. Tập trung nguồn vốn cho chiến lược tiêm vaccine toàn dân, để miễn dịch cộng đồng trong toàn quốc với thời gian sớm nhất.
Bố trí và sớm giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch. Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia, để ứng phó kịp thời với các tình huống đột xuất, cấp bách trong dịch bệnh; vận động và kêu gọi xã hội hóa để góp phần chung tay phòng, chống và dập dịch Covid-19 hiệu quả, thành công.