Cần kích cầu vào các lĩnh vực, dự án trọng điểm, tạo đột phá cho tăng trưởng
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Theo Bộ trưởng, các gói kích cầu nên tập trung vào các dự án đầu tư công có vai trò dẫn dắt đầu tư, các công trình trọng điểm, những lĩnh vực kinh tế tạo nên đột phá cho tăng trưởng.
Liên quan đến chính sách tài khóa trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ đề xuất với Quốc hội thực hiện các chính sách thuế như năm 2021 đã thực hiện như: giãn, hoãn thuế các loại thuế; giảm 30 loại phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế với hộ, cá nhân kinh doanh, miễn tiền chậm nộp... và một loạt chính sách về thu ngân sách khác để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, ngành Tài chính sẽ tập trung thu ngân sách trên nền tảng số và sàn thương mại điện tử; các khoản thu từ chuyển nhượng bất động sản; thực hiện phát hành hóa đơn điện tử nhằm tránh hóa đơn giả, tránh trốn thuế, trục lợi...
Về ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn công cụ nợ còn dư địa hay không, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, nếu tính GDP cũ thì năm 2021 nợ công của Việt Nam đã là 56,8%, vẫn dưới 60% nhưng vượt ngưỡng cảnh báo là 55%, dư nợ Chính phủ là 51,2% nếu tính theo GDP cũ. Theo GDP đánh giá lại thì nợ công 40,5%, dư nợ là 44,7%. Như vậy, năm 2021, nợ công khoảng 3 triệu 750 tỷ đồng, nợ chính phủ khoảng 3 triệu 397 tỷ đồng.
Bộ trưởng khẳng định ủng hộ về các gói kích cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các gói kích cầu này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách và giữ được bội chi. Tăng bội chi năm 2022-2023 nhưng giảm bội chi ngân sách các năm tiếp theo, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Thông tin về gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất, theo Bộ trưởng, nếu mỗi năm hỗ trợ khoảng 20 nghìn tỷ, hai năm 2022, 2023 là 40 nghìn tỷ với lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp 4% thì huy động được khoảng 1 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Gói hỗ trợ này không làm tăng bội chi ngân sách và nợ công vì nguồn này sẽ được lấy từ nguồn đầu tư chưa phân bổ của giai đoạn 2021-2025...
Tuy nhiên, Bộ trưởng băn khoăn, "khi chúng ta có tiền rồi thì tiền này nền kinh tế hấp thụ được không và nền kinh tế hấp thụ ở trong lĩnh vực nào". Bộ trưởng cho rằng, nên tập trung vào các dự án đầu tư công có vai trò dẫn dắt đầu tư, các công trình trọng điểm, những lĩnh vực kinh tế tạo nên đột phá cho tăng trưởng và cần chuẩn bị sớm các dự án để sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các gói kích cầu.
Đối với công cụ chi ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tiết kiệm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển phải có hiệu quả, nếu không sẽ sắp xếp lại để đưa vào dự án khác hiệu quả hơn. Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên đã cắt giảm 10% so với định mức Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; trong quá trình điều hành sẽ tiếp tục cắt giảm 10% nữa; đồng thời tiết kiệm 5% chi tiếp khách, công tác phí trong nước, ngoài nước... Như vậy, sẽ tiết kiệm được các khoản chi để tập trung cho chi đầu tư và chống dịch.
Làm rõ ý kiến của đại biểu nêu về nguồn vốn 2 tỷ USD của Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, nguồn vốn này là Ngân hàng Thế giới cam kết với Chính phủ Việt Nam, cho vay để đầu tư vào Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, 2 tỷ USD này không phải vay để bù bội chi ngân sách trung ương mà cho vay để đầu tư dự án. Muốn đầu tư dự án phải có quy hoạch được phê duyệt, tiếp đó là lập dự án, tiếp cận được khoản vay và ký hiệp định. Do đó, theo Bộ trưởng, phải khẩn trương lập dự án báo cáo cấp có thẩm quyền để giải ngân sớm.