Xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn:
Cần một nền hành chính đặc biệt
(Tài chính) "Để xây dựng thành công đặc khu kinh tế (ĐKKT), Việt Nam cần có một nền hành chính đặc biệt cùng những cơ chế, chính sách khác biệt, thậm chí vượt trội so với thế giới". Đó là ý kiến của đa số đại biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về "Phát triển đặc khu kinh tế - kinh nghiệm và cơ hội", khai mạc sáng 20.3 tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh). Có như thế mới cạnh tranh được với các ĐKKT của các nước trong khu vực.
"Đừng sợ sai"
Đưa ra 4 thành công mang tích lịch sử của ĐKKT Thâm Quyến (Trung Quốc), bà Đào Nhất Đào - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu ĐKKT Trung Quốc, thuộc Đại học Thâm Quyến - cho rằng, chính tư duy đột phá, dám đi trước thời đại góp phần đưa làng chài nghèo năm xưa trở thành ĐKKT Thâm Quyến hiện nay.
“Đừng sợ sai, có làm có sai, nhưng phát hiện ra sai thì phải sửa” - bà Đào dẫn lời một số nguyên lãnh đạo Trung Quốc thời kỳ bắt tay vào xây dựng ĐKKT Thâm Quyến, đồng thời cho biết, có một lãnh đạo Quốc vụ viện còn “đảm bảo” rằng, nếu chẳng may có sai sót, Quốc vụ viện sẽ chịu trách nhiệm. “Chính điều này đã góp phần giải phóng tư tưởng, góp phần thúc đẩy tư duy sáng tạo và quyết tâm của những người trực tiếp xây dựng ĐKKT Thâm Quyến” - bà nói.
Về ý tưởng xây dựng ĐKKT Vân Đồn, các đại biểu đều đánh giá cao vị trí địa lý, cùng những tiềm năng lợi thế vốn có. Tuy nhiên, thách thức phía trước là rất lớn, từ môi trường pháp quy, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tài chính... Bài học về phát triển 15 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu của cả nước đến nay phần nào cho thấy điều đó. Các khu này không phát huy hiệu quả do mới chỉ tìm cách cạnh tranh... lẫn nhau, chủ yếu về ưu đãi thuế và giảm tiền sử dụng đất.
“Nguồn nhân tài là nguồn “ôxy” của ĐKKT. Nếu không có nguồn ôxy này, ĐKKT sẽ thất bại. Vì thế, phải đổi mới tư duy, phải có cơ chế mới và đủ mạnh cho ĐKKT mới thu hút được nhân tài” - ông Andrew Grant - chuyên gia Tập đoàn Mc Kensey Singapore chia sẻ.
Cần sự đột phá về thể chế
Theo bà Đào Nhất Đào, hạ tầng cơ sở hiện là một trong những điểm yếu nhất khi xây dựng ĐKKT Vân Đồn. “Muốn làm giàu thì phải làm đường trước. Với hệ thống hạ tầng hiện nay, Quảng Ninh muốn bước ra thế giới và muốn thế giới vào với mình cũng rất khó. Trước mắt nên xây dựng một cảng biển quốc tế ở Vân Đồn, cùng với việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, phải xứng tầm thế giới thì mới cạnh tranh được” - bà Đào gợi ý.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng ĐKKT Vân Đồn là quá lớn, lên tới hàng tỉ USD. “Một mình Nhà nước tôi nghĩ khó kham nổi, nhưng Nhà nước vẫn phải tiên phong đầu tư. Nếu tư nhân có tham gia sau này thì phải có sự hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ” - chuyên gia Andrew Grant góp ý.
Rất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra tại hội thảo về thu hút nhân tài, nguồn vốn..., nhưng tựu trung lại để xây dựng thành công ĐKKT, đầu tiên phải có một nền hành chính đặc biệt. “Cốt lõi nhất, ưu tiên nhất vẫn phải là đột phá về thể chế thì mới hy vọng xây dựng thành công ĐKKT” - GS.,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - khẳng định.