Xử lý số dư tạm ứng đầu tư phát triển:
Cần nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư
(Tài chính) Theo báo cáo của cơ quan Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 11/2013 số dư tạm ứng vốn đầu tư phát triển của các dự án trên toàn Tỉnh còn trên 250 tỷ đồng, trong đó có một số dự án tạm ứng từ năm 2011 về trước đến nay chưa có khối lượng để thực hiện thanh, quyết toán. Đây cũng là một trong những vấn đề mà các đại biểu HĐND Tỉnh rất quan tâm tại Kỳ họp HĐND Tỉnh vừa qua, đó là giải pháp nào khắc phục tình trạng việc tạm ứng vốn đầu tư phát triển bị tồn đọng, kéo dài, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách?
Vì sao số dư tạm ứng lớn?
Theo phản ánh của các chủ đầu tư, nguyên nhân việc số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện còn nhiều và chậm được xử lý bởi một số dự án vướng mặt bằng thi công, triển khai chậm, chưa có hồ sơ khối lượng gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) để thanh toán hoàn ứng, mặt khác, các gói thầu thanh toán chưa đạt 80% giá trị hợp đồng, nên chưa thể kết thúc việc thu hồi tạm ứng; đối với các khoản tạm ứng đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), do dân chưa chấp thuận phương án và chưa nhận tiền đền bù, nên chưa có thủ tục để thanh toán hoàn ứng.
Điển hình như với Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Tỉnh, đến nay hết tháng 11 số dư tạm ứng các dự án do Ban làm chủ đầu tư là 78,1 tỷ đồng, trong đó số dư tạm ứng từ năm 2012 trở về trước 71,711 tỷ đồng, số dư tạm ứng năm 2013 là 6,388 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng dư tạm ứng chậm thu hồi chủ yếu là do vướng mắc trong công tác GPMB các dự án đang triển khai tại KKT Vân Đồn như dự án Khu tái định cư xã Hạ Long chậm 36 tháng, đường Vạn Yên chậm 18 tháng và đường Minh Châu - Quan Lạn chậm 8 tháng. Năm 2013 khi khó khăn về GPMB được tháo gỡ một phần thì thời tiết lại không thuận lợi, trong khi phần lớn các dự án này đang trong giai đoạn đào đắp, san nền gặp mưa nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đặc biệt trong tổng số 78,1 tỷ đồng số dư tạm ứng do Ban làm chủ đầu tư thì dư tạm ứng cho công tác GPMB là 14,742 tỷ đồng (trong đó số dư tạm ứng từ năm 2011 trở về trước là 6,981 tỷ đồng).
Theo quy định, sau khi phương án GPMB được duyệt, chủ đầu tư tạm ứng để Trung tâm phát triển quỹ đất tổ chức chi trả tiền cho dân và GPMB cho dự án. Tuy nhiên sau khi tạm ứng, người dân thuộc đối tượng GPMB không đồng ý nhận tiền đền bù, do vậy không thực hiện việc chi trả được. Đối với số dư tạm ứng này, trên sổ sách là dư tạm ứng, nhưng trên thực tế Trung tâm Phát triển quỹ đất đã thực hiện chi trả cho các phương án GPMB được phê duyệt mới (không phải thực hiện thủ tục tạm ứng đối với những phương án này để tránh việc dư tạm ứng tiếp do nhân dân không nhận tiền đền bù) và đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thanh toán theo quy định. Vì vậy, số liệu trên thực tế là không có số dư và không tồn đọng vốn.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Tỉnh cho biết: Ban đã tạm ứng cho các hợp đồng đảm bảo theo quy định (trên mức tối thiểu và dưới mức tối đa theo quy định). Việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng được quy định cụ thể trong hợp đồng và được thu hồi trong từng lần thanh toán. Số dư tạm ứng của từng hợp đồng đều ở mức hợp lý, tỷ lệ dư tạm ứng thấp so với giá trị của các hợp đồng. Việc duy trì mức dư tạm ứng và tỷ lệ thu hồi hợp lý góp phần tạo điều kiện cho các nhà thầu có nguồn lực để thực hiện hợp đồng trong điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay khó khăn như hiện nay.
Để giảm số dư tạm ứng trong thời gian qua, Ban Quản lý KKT đã triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ số vốn dư tạm ứng, phối hợp với các đơn vị có liên quan để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB để các nhà thầu thực hiện thi công và thu hồi khối lượng.
Giải pháp khắc phục phải từ chính các chủ đầu tư
Trong điều kiện nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, thời gian qua, Tỉnh đã phải huy động vốn, trả lãi vay theo Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo hoàn thành một số công trình quan trọng theo đúng tiến độ đề ra. Và việc kiểm soát chi tạm ứng đầu tư xây dựng cơ bản đã được hệ thống kho bạc nhà nước thực hiện theo đúng Luật Xây dựng, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành, UBND Tỉnh.
Tuy nhiên, trong những năm qua có nhiều thay đổi, đặc biệt là về cơ chế tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trước đây việc tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ khống chế tỷ lệ tối thiểu, không khống chế tối đa, nên các gói thầu được tạm ứng rất lớn. Từ tháng 7-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/NĐ-CP, qua đó đã khống chế mức tạm ứng tối đa là 50% giá trị hợp đồng và thu hồi tạm ứng kết thúc khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng, nhưng số dư tạm ứng hàng năm vẫn còn rất lớn. Để hạn chế được tình trạng này, năm 2011 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 1792/CT-TTg theo đó quy định mức tạm ứng cho dự án tối đa 30% kế hoạch vốn được giao trong năm, quy định này góp phần giảm tỷ lệ tạm ứng trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo thống kê của KBNN Tỉnh, số dư tạm ứng ngân sách Tỉnh và trái phiếu Chính phủ Tỉnh quản lý từ năm 2012 trở về trước chuyển sang là 782 tỷ đồng, trong năm 2013 đã thu hồi được trên 532 tỷ đồng, đến hết tháng 11 còn dư 250 tỷ đồng (trong đó số dư tiền đền bù GPMB là 33 tỷ đồng được gửi tại hệ thống KBNN theo đúng quy định).
Cũng theo thống kê từ KBNN, hiện nay còn nhiều chủ đầu tư có số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn như Ban Quản lý công trình giao thông, các huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà… Để giải được bài toán này, nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo đề xuất của cơ quan chuyên môn cần nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tạm ứng cho các gói thầu, thực hiện tạm ứng theo đúng quy định hiện hành, chủ đầu tư cần tính toán mức tạm ứng hợp lý cho từng gói thầu, quản lý chặt chẽ việc nhà thầu sử dụng số tiền tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, đồng thời yêu cầu bảo lãnh tạm ứng để nâng cao trách nhiệm đối với các gói thầu.
Đối với các dự án, gói thầu còn vướng về mặt bằng thi công cần tính toán mức tạm ứng hợp lý để thực hiện, tránh việc tạm ứng nhưng không thi công được do vướng mặt bằng. Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi, nếu quá thời hạn 6 tháng nhà thầu chưa thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi hoàn trả ngân sách nhà nước theo quy định.