Ba trụ cột tạo động lực bứt phá cho du lịch Điện Biên
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt đã tạo cho Điện Biên nguồn tài nguyên du lịch giàu tiềm năng, phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với ba trụ cột động lực thúc đẩy du lịch bứt phá gồm: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Điện Biên là tỉnh miền núi giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có 19 dân tộc cùng sinh sống và 35 di tích lịch sử được xếp hạng. Đồng thời, nơi đây còn sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh là nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng, thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch như: Hồ Pá Khoang; đèo Pha Đin; hệ thống hang động tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa...
Ngoài ra, tỉnh Điện Biên còn có khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, A Pa Chải, cao nguyên đá Tủa Chùa, quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ tại Tủa Chùa (Cây di sản Việt Nam).
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Điện Biên, với sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo sức hút mạnh mẽ cho du lịch địa phương. Năm 2024, lần đầu tiên ngành Du lịch Điện Biên đón lượng khách cao nhất từ trước tới nay với tổng lượng khách cả năm đạt 1,85 triệu lượt, tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2023, vượt 42,3% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đạt 11.500 lượt, tăng 1,53 lần đưa tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của địa phương trong năm lên tới 3.300 tỷ đồng, tăng 1,88 lần so cùng kỳ năm 2023, vượt 50% kế hoạch.
Quý I/2025, lượng khách du lịch tới Điện Biên là 426,1 nghìn lượt, đạt 29,4% kế hoạch; trong đó, khách quốc tế đạt 3.993 lượt, tăng 21,6%, đạt 1,33% kế hoạch. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch là 768 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch. Ngành Du lịch Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu cả năm sẽ thu hút hơn 1,450 triệu lượt khách, trong đó đạt trên 300.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt trên 2.400 tỷ đồng.
Để thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp không khói nay, trong thời gian tới, Điện Biên sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch.
Song song với đó, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch cộng đồng; có cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, loại hình, sản phẩm du lịch tiềm năng, lợi thế của tỉnh.Trong đó, chú trọng tham mưu xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và cải tạo cảnh quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Đồng thời, để bắt nhịp với xu thế phát triển chung của cả nước, địa phương sẽ tiến hành xây dựng, triển khai chương trình chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý du lịch như: Xây dựng hệ thống quản lý, số hóa di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước, khu vực và quốc tế.