Cân nhắc giải pháp nâng trần bội chi ngân sách

Theo ktdt.vn

(Tài chính) Kinh tế trì trệ, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm qua, đầu tư tư nhân không thể tăng được vì điều kiện kinh tế khó khăn, trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề xuất nới trần bội chi, tăng tổng cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Chưa nói đến áp lực nợ công, nỗi lo lạm phát, vấn đề khó khăn là làm thế nào để xử lý hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, huy động nguồn vốn cho mục tiêu này không đơn giản.

Tăng đầu tư để kích cầu

Theo Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay là 116.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức dự toán năm 2013 là 175.000 tỷ đồng. Do vậy phải phát hành thêm 80.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp. Tuy nhiên, cộng 2 nguồn này lại thì tổng mức đầu tư mới chỉ được 196.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP (bằng chỉ tiêu Quốc hội giao). Mức này không thể đảm bảo cho tăng trưởng GDP ít nhất đạt 5,2% (con số ước tính thực hiện trong 2013). Vì vậy, đề xuất nâng trần bội chi lên 5,3% tương ứng khoảng 255.000 tỷ đồng đã được Chính phủ đưa ra để xin ý kiến Quốc hội.

Trong một nghiên cứu đưa ra gần đây, TS. Vũ Sĩ Cường - Học viện Tài chính cho rằng: Chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt với các công trình công cộng là rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc duy trì tỷ lệ chi đầu tư phát triển quá thấp sẽ không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. "Trong điều kiện năm 2013 cầu vẫn còn rất trì trệ, tồn kho hàng hóa vẫn lớn, chưa giảm được nhiều, thậm chí có ngành tỷ lệ tồn kho còn tăng trong khi tăng trưởng tín dụng lại quá thấp, khó đạt được 12% như chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Chính vì thế, đề xuất tăng tỷ lệ bội chi lên cao hơn mức 4,8% là cần thiết và có thể chấp nhận được" - TS. Cường nói.

Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1% GDP, Chính phủ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách. Do đó, trên cơ sở cân đối tổng số thu, chi Chính phủ dự tính trong thời gian tới cần tối thiểu 255.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, các khoản thu từ đất, khoáng sản, xổ số kiến thiết… cũng sẽ dành toàn bộ cho đầu tư.

Nếu tính toán theo các con số trên, việc tăng bội chi là cần thiết để kích hoạt tăng trưởng. Nhưng tăng bội chi là vấn đề không đơn giản, bởi lâu nay bội chi ngân sách thường phải bù đắp bằng nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước. Tăng bội chi cũng đồng nghĩa với tăng nợ công, nếu không sử dụng hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau.

Một vấn đề khác cần được tính tới là lấy nguồn nào để tăng bội chi? Hiện nay, thu ngân sách đang rất khó khăn nên chắc chắn nguồn tăng thêm sẽ vay từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ, hoặc vay từ nước ngoài. Với mức tăng thêm 0,5% GDP, số vốn cần để tăng bội chi tương đương 20.000 tỷ đồng.

Đặt trong mối tương quan các giải pháp

Ngay khi được đưa ra, đã có không ít ý kiến về đề xuất này. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, người khởi xướng kiến nghị nới trần bội chi để kích thích tổng cầu, cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tăng bội chi sẽ giúp các địa phương trả nợ những dự án xây dựng cơ bản mà doanh nghiệp đang triển khai (thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ ngoài định mức 45.000 tỷ đồng mỗi năm như Quốc hội đã cho phép).

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cũng bày tỏ: "Biện pháp khó khăn này phải kèm theo sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội trong việc sử dụng đồng tiền. Chúng ta cần cú hích như thế trong giai đoạn trước mắt, khi nền kinh tế hấp thụ tốt thì lại phấn đấu để giảm bội chi".

TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng, có thể chấp nhận bội chi ngân sách cao lên một chút nhưng giải pháp này chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn. Về lâu dài, ông Ngoạn nhận định, thứ nhất, phải giảm chi thường xuyên thông qua giảm bộ máy hành chính. Thứ hai, phải cải thiện được chất lượng đầu tư công để làm thế nào đồng tiền cung ứng ra phải được sử dụng hiệu quả nhất.

Ở góc độ khác, TS. Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, về lâu dài, phải tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào những ngành không cần thiết có vai trò chủ đạo của Nhà nước. Có như vậy mới giảm dần thâm hụt và tiến tới cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, khu vực tư nhân đang có khó khăn, vốn ít, chưa có những điều kiện thuận lợi cả về mặt gia nhập thị trường lẫn thủ tục kinh doanh nên khu vực này chưa thực sự mạnh. Nếu muốn có một chuyển biến tích cực cho khu vực tư nhân thì khu vực Nhà nước phải được chấn chỉnh khẩn trương, quyết liệt. Tán thành mức tăng bội chi nhưng TS. Cao Sĩ Kiêm lưu ý, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và thị trường tài chính.
 
Trước khi bỏ một đồng tiền ngân sách để xây đường sá, hạ tầng phải tính được đồng tiền đó tạo ra bao nhiêu lợi ích kinh tế, bao nhiêu việc làm, bao nhiêu thu nhập cho người dân. Những người đang nắm giữ trách nhiệm quản lý đồng tiền của Nhà nước phải ý thức được điều này để sử dụng tiền ngân sách cho hợp lý. Trước khi đưa ra một chương trình tín dụng, Chính phủ phải nghiên cứu cặn kẽ hiệu quả của đồng tiền bỏ ra.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành