Cân nhắc khi vay tiêu dùng từ công ty tài chính

Theo thanhnien.com.vn

Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm trong những tháng vừa qua, nhưng các cá nhân cũng không dễ dàng được vay lãi suất thấp, đặc biệt lãi suất cho vay của nhiều công ty tài chính vẫn đang ở mức rất cao.

Cân nhắc khi vay tiêu dùng từ công ty tài chính
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thủ tục đơn giản và không cần tài sản thế chấp, xem xét hồ sơ và giải ngân nhanh trong 1-2 ngày sau khi nhận hồ sơ là những ưu điểm của các công ty tài chính so với các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, các công ty tài chính cũng đang phối hợp với nhiều doanh nghiệp để bán hàng trả góp nên thu hút khá đông người tiêu dùng tham gia.

Gần đây, nhiều trang web cho vay cũng được lập ra, chỉ cần cá nhân có giấy tờ tùy thân, đi làm hưởng lương từ 3 triệu đồng/tháng trở lên hoặc tự doanh đều có thể vay từ 10 triệu đồng đến 200, thậm chí 300 triệu đồng. Các loại giấy tờ chỉ cần nộp bản sao và hồ sơ đều dễ dàng nộp qua mạng...

Với những tiện lợi trên, hợp đồng vay tiêu dùng (được nhận tiền mặt) tại các công ty tài chính hoặc vay mua hàng trả góp mà không cần tài sản thế chấp là hình thức tiêu dùng linh hoạt được nhiều cá nhân có mức thu nhập trung bình trở xuống lựa chọn. Tuy nhiên, không ít trường hợp do khách hàng không đọc kỹ điều kiện trước khi vay cũng như nhân viên tư vấn khách hàng không nói rõ nên dễ dàng phát sinh nhiều tranh chấp.

"Khách hàng khi vay phải xem xét kỹ lãi suất của bên cho vay đưa ra chứ không phải nhìn vào số tiền trả hằng tháng là bao nhiêu. Đôi khi với số tiền vay ít, số tiền trả góp hằng tháng cũng ít, nhưng tính ra thì lãi suất đang bị tính trên trời".

Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM
Một trong những vấn đề cần lưu ý đầu tiên là lãi suất cho vay của các công ty tài chính khá cao, hiện dao động từ 2 - 3%/tháng (tương đương 24 - 36%/năm). Lãi suất cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào số tiền vay, thời gian vay và cả lịch sử của người vay.

Chẳng hạn, khách hàng đã từng vay và trả nợ đúng hạn thì sẽ được xem xét với mức lãi suất thấp hơn người lần đầu đi vay. Hoặc thời gian vay càng dài thì lãi suất càng thấp và ngược lại. Số tiền phải trả tính ra hằng tháng không lớn nhưng nếu tính tổng cộng lãi và nợ gốc phải trả sẽ không nhỏ. Bởi các công ty tài chính thường tính lãi vay trên dư nợ ban đầu đối với cho vay tiêu dùng tín chấp (vay không có tài sản thế chấp).

Ví dụ, nếu người vay tiền gốc 150 triệu đồng trong vòng 4 năm, lãi suất bình quân 20%/năm thì số tiền trả hằng tháng cả gốc lẫn lãi hơn 6 triệu đồng. Tổng số tiền người vay phải trả sau 4 năm sẽ gần 300 triệu đồng. Đặc biệt, người đi vay phải xem xét kỹ điều khoản về lãi phạt khi thanh toán hợp đồng trước thời hạn. Nếu như lãi phạt này ở nhiều ngân hàng chỉ từ 2-3%/số nợ gốc còn lại thì ở nhiều công ty tài chính lãi phạt có thể lên đến 10-15%/nợ gốc còn lại.

Theo giải thích của nhiều công ty tài chính, do cho vay cá nhân không có tài sản thế chấp khá rủi ro nên lãi suất cho vay cao hơn để bù đắp rủi ro đó. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính tại TP.HCM nhận xét, lãi suất cho vay lên đến 25 -30%/năm là quá cao.

“Theo quy định của bộ luật Dân sự, lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố. Thử so sánh với lãi suất tiết kiệm 7%/năm thì mức lãi vay nói trên là khó chấp nhận được”, chuyên gia này phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận khi cánh cửa ngân hàng không dễ dàng mở ra cho mọi cá nhân thì kênh công ty tài chính vẫn được nhiều người tìm đến khi có nhu cầu. “Khách hàng khi vay phải xem xét kỹ lãi suất của bên cho vay đưa ra chứ không phải nhìn vào số tiền trả hằng tháng là bao nhiêu. Đôi khi với số tiền vay ít, số tiền trả góp hằng tháng cũng ít, nhưng tính ra thì lãi suất đang bị tính trên trời. Hơn nữa, khách hàng cũng phải cân nhắc kỹ và lựa chọn số tiền trả trước cùng thời hạn trả góp phù hợp với khả năng tài chính của mình để tránh bị “đuối”, chuyên gia tài chính khuyến cáo.